Tháo gỡ "điểm nghẽn" trong đầu tư phát triển

- Thứ Ba, 05/07/2022, 05:56 - Chia sẻ

Theo số liệu thống kê về kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê, kinh tế nước ta có nhiều khởi sắc khi tất cả các ngành, lĩnh vực đều tăng trưởng, trong đó một số ngành có mức tăng cao hơn trước khi có dịch Covid-19...

Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011 - 2021. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021. Sản xuất công nghiệp quý II cũng tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì và dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước.

Về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước - tức xuất siêu 710 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 cũng tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm đạt 116,9 nghìn doanh nghiệp. Lạm phát bình quân được kiểm soát ở mức 2,44%; ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...

Những kết quả trên cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế nước ta đang có những bước tiến đáng khích lệ. Tuy vậy, nền kinh tế nước ta vẫn còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, những hậu quả của đại dịch Covid-19 chưa được khắc phục hết và đặc biệt là giá xăng dầu tăng cao liên tục thời gian qua.

Phân tích cụ thể, một chuyên gia cho rằng, về cơ bản, dù số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng nhưng tổng số doanh nghiệp tạm thời ngừng sản xuất kinh doanh, chờ làm thủ tục và rút lui vĩnh viễn khỏi thị trường vẫn khá lớn cho thấy khu vực doanh nghiệp vẫn bị "tổn thương" nghiêm trọng. Mặt khác, dù kim ngạch xuất khẩu rất ấn tượng nhưng kim ngạch của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 49,26 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu - phản ánh vị thế thương mại quốc tế của nước ta vẫn do khu vực FDI tạo nên. Là kinh tế phụ trợ và liên kết giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI còn yếu; sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên khi giá tăng và không chủ động được nguồn cung gây khó khăn cho sản xuất, cạnh tranh tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu...

Thời gian tới, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra của năm 2022 và những năm tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng, tuyệt đối không chủ quan, lơ là với dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế năm 2022 - 2023.

Đặc biệt, như ý kiến của Thủ tướng tại Phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ là tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ, đề xuất xử lý các khó khăn, vướng mắc trong thực tế, nhất là phối hợp với các cơ quan của Quốc hội giải quyết các "điểm nghẽn" về quy hoạch, đầu tư công, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững, các chương trình mục tiêu quốc gia...

Ninh Hà