Nhìn thẳng làn sóng nghỉ việc trong khu vực công

- Chủ Nhật, 25/09/2022, 06:17 - Chia sẻ

TS. Vũ Thanh Vân

Công chức, viên chức nghỉ việc, bỏ việc trở thành vấn đề đáng báo động hiện nay. Làn sóng này ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến chất lượng đội ngũ cán bộ mà cả chất lượng dịch vụ công dành cho nhân dân. Vấn đề thì đã rõ nhưng cần phân tích thấu đáo nguyên nhân để đưa ra giải pháp phù hợp. Tình trạng nghỉ việc ở khu vực công có những nguyên nhân mang tính cấu trúc vốn tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục triệt để.

Ngành y tế là một trong những ngành có tình trạng nghỉ việc, bỏ việc nhiều nhất, đặc biệt sau 2 năm phòng, chống dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 1.1.2021 đến ngày 30.6.2022 trên cả nước có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Trong số này có 8.810 nhân viên y tế thuộc quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố và 870 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ… có số lượng viên chức y tế bỏ việc cao.

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc đáng lo ngại. Theo báo cáo của Sở Nội vụ, tình hình cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng từ ngày 1.1.2020 đến ngày 30.6.2022 là 6.177 người. Trong đó, lĩnh vực giáo dục chiếm số lượng cao nhất với 2.436 người, tiếp theo là lĩnh vực y tế với 2.145 người. Tuy nhiên, ngành y tế hay giáo dục không phải ngành cá biệt và TP. Hồ Chí Minh không phải địa phương cá biệt khi tình trạng nghỉ việc, thôi việc lan rộng trong khu vực công.

Làn sóng nghỉ việc, bỏ việc trong khu vực công gây ra lo ngại không chỉ về sự thiếu hụt cục bộ đội ngũ cán bộ mà còn về chất lượng dịch vụ công dành cho nhân dân. Đáng lo ngại nhất, những cán bộ có năng lực thường có khả năng nghỉ việc cao hơn để tìm kiếm các cơ hội việc làm với thu nhập tốt hơn. Các nghiên cứu về việc làm chỉ ra, những người có năng lực thường có nhiều cơ hội việc làm hơn hoặc cơ hội việc làm tốt hơn, dẫn đến mức độ sẵn sàng thay đổi công việc cao hơn.

Tiền lương và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng được coi là một trong những nguyên nhân chính của tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của viên chức, công chức. Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến lộ trình tăng lương cơ sở trong năm 2021. Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước khó khăn, Chính phủ đã đề nghị chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu trong năm 2021. Trong khi đó, mức chi trả cuộc sống, nhất là ở các thành phố lớn rất cao, tạo ra áp lực mưu sinh với công chức, viên chức, nhất là cán bộ trẻ.

Chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, cơ hội thăng tiến và áp lực công việc được cho là những nguyên nhân chính của tình trạng nghỉ việc. Tuy nhiên, cần xem xét các nguyên nhân khác, nhất là các nguyên nhân mang tính hệ thống. Yếu tố môi trường làm việc và mức độ hài lòng trong công việc cần được xem xét kỹ lưỡng. Ở không ít cơ quan, tổ chức công, môi trường làm việc không khuyến khích được cán bộ, thậm chí gây ra tâm lý chán nản, mất động lực lao động. Cán bộ, nhất là cán bộ có thực tài bị cô lập, trở nên lạc lõng trong khi không phải cán bộ lãnh đạo, quản lý nào cũng là người có tâm, có tầm và có tài.

Trước làn sóng nghỉ việc trong khu vực công, trong Công văn số 4536/BNV-TCBC, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành và địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là đội ngũ cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh. Đây là những định hướng đúng nhưng tổ chức thực hiện như thế nào, giải pháp cụ thể ra sao thì hoàn toàn phụ thuộc vào từng cơ quan, tổ chức công. Để thực sự giải quyết được tình trạng nghỉ việc trong khu vực công, cần nhìn thẳng vào sự thật của công tác cán bộ và xem xét cặn kẽ các nguyên nhân mang tính cấu trúc, vốn đã tồn tại trong nhiều năm qua.