Ngổn ngang ở 3 dự án cao tốc

- Chủ Nhật, 29/05/2022, 05:00 - Chia sẻ

Tuần tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu trước Quốc hội. Tính cấp thiết của 3 dự án tương đối rõ ràng, song thách thức phía trước vô cùng lớn.

Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong phiên họp 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là những dự án rất chiến lược, rất quan trọng, mơ ước từ lâu và mong muốn được làm nhanh.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, dự án Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7km kết nối TP. Biên Hòa với cảng biển Cái Mép - Thị Vải; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5km kết nối TP. Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2km kết nối TP. Châu Đốc với cảng biển Trần Đề. Với tổng chiều dài gần 360km và phạm vi như vậy, các dự án được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao; giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế và tăng khả năng cạnh tranh của khu vực Tây Nguyên cũng như đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đề xuất của Chính phủ, cả 3 dự án đều áp dụng hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ thu phí để hoàn trả vốn ngân sách. Sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng; trong đó dự kiến nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 60.124 tỷ đồng, chuyển tiếp giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 24.339 tỷ đồng.

Nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ dự kiến bố trí từ 5 nguồn. Theo đó, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến phân bổ cho 3 dự án 26.147 tỷ đồng. Cùng với đó là 2.203 tỷ đồng từ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông Vận tải sau khi rà soát, sắp xếp lại và 9.620 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi. Hai nguồn còn lại là tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 13.796 tỷ đồng và ngân sách địa phương 8.358 tỷ đồng.

Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép 3 dự án này được áp dụng cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 43/2022/QH15; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư các dự án thành phần được thực hiện như dự án nhóm A...  Nếu Quốc hội nhất trí, Chính phủ dự kiến chuẩn bị đầu tư 3 dự án trong năm 2022, khởi công trong năm 2023. Dự án Biên Hòa - Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025; dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026. 

Giả sử việc thu xếp vốn hoàn toàn thuận lợi và các cơ chế đặc thù được áp dụng thì mục tiêu giải ngân và tiến độ hoàn thành 3 dự án mà Chính phủ đặt ra vẫn khiến cả những người lạc quan nhất cũng phải lo ngại về tính khả thi. Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện rất thấp - đó là thực tế và thể hiện rõ nhất ở tốc độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm nay. Năng lực của các nhà thầu cũng là “vấn đề”, nhất là khi không phải doanh nghiệp nào cũng “đủ sức, đủ trình” làm dự án cao tốc; hơn nữa những đơn vị có khả năng cũng đang rất “bận rộn” với nhiều dự án lớn khác.

Bên cạnh đó, diện tích đất phải thu hồi cho 3 dự án lớn (hơn 2.600ha), số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều (gần 5.100 hộ, trong đó hơn 4.200 hộ tái định cư). Điều này có nghĩa công tác giải phóng mặt bằng không hề đơn giản.

Hàng loạt dự án giao thông đang triển khai đều gặp nhiều vướng mắc và đứng trước nguy cơ không về đích đúng hẹn. Ba dự án này được chuẩn bị trong thời gian rất ngắn và gấp gáp liệu có tránh được “vết xe đổ” đó hay không? Đây là điều Chính phủ sẽ phải giải trình kỹ lưỡng với các đại biểu Quốc hội. Và để thuyết phục Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, vấn đề trách nhiệm chính trị, trách nhiệm hành chính của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương liên quan chắc chắn phải được đặt ra. Những việc “đại sự” không thể cứ đưa ra bấm nút rồi về sau làm được tới đâu hay tới đấy mà không rõ ai chịu trách nhiệm!

Cẩm Phô