Đừng để có tiền không tiêu được!

- Thứ Năm, 26/05/2022, 05:30 - Chia sẻ

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà tiền có không tiêu được thì không biết vướng do đâu? Phải làm cho rõ. Thể chế không vướng gì cả. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại phiên họp tổ sáng 25.5.

Cử tri và dư luận đồng tình cao với nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bởi “có tiền nhưng không tiêu được” là một nghịch lý đã tồn tại trong nhiều năm qua, mỗi khi chúng ta đề cập đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế cũng cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng có bộ, ngành địa phương giải ngân chiếm tỷ lệ cao, trong khi có nơi tỷ lệ này lại rất thấp.

Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, tình trạng này cũng được Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ: Trong năm 2021, chi đầu tư, ước thực hiện giải ngân đạt 94,94% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (97,5%).

Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ngoài nước tiếp tục đạt thấp, chỉ bằng 32,85% kế hoạch. Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm, chậm được khắc phục. Việc giải ngân chậm nguồn vốn ngoài nước vẫn phát sinh phí quản lý, theo đó làm phát sinh khoản chi ngân sách nhà nước không cần thiết, gây lãng phí, kém hiệu quả - Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận định.

Sự chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công gây nên sự lãng phí rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc làm chậm tiến độ triển khai các công trình, các chương trình, gây hưởng đến hiệu quả của nguồn vốn, đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, nhưng với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội vẫn quyết định dành nguồn lực để chi cho đầu tư phát triển. Trong đó, có gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số. Đáng nói là, dù chính sách này chỉ thực hiện trong 2 năm (2022 - 2023) nhưng đến nay dù nghị quyết đã ban hành được 5 tháng nhưng việc triển khai thực hiện chương trình còn chậm. Căn bản nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Nếu đối chiếu với quy định về tiến độ giải ngân, thời hạn hoàn thành dự án quy định trong Nghị quyết 43 của Quốc hội thì khó có thể hoàn thành. Thực sự, đây là điều rất đáng lo ngại. Bởi lẽ, nền kinh tế nước ta vừa trải qua một cú sốc rất lớn, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Do đó, việc chậm triển khai, giải ngân vốn cho chương trình này ngày nào thì việc phục hồi và phát triển kinh tế của chúng ta sẽ chậm ngày đó. Và nếu không có giải pháp căn cơ, hiệu quả và chấn chỉnh kịp thời thì điệp khúc “có tiền mà không tiêu được” lại tiếp tục tái diễn.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong bối cảnh nguồn lực đang được ưu tiên tăng cường bố trí vốn, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển để tạo đà cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng thì các bộ ngành, địa phương vẫn giải ngân chưa đạt? Vướng mắc do đâu? Để xảy ra sự chậm trễ này sẽ bị xử lý như thế nào?

Không thể phủ nhận, việc giải ngân chậm có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh. Nhưng việc giải ngân có nơi đạt tỷ lệ cao, có nơi lại thấp thì không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Nguyên nhân cơ bản ở đây cần thẳng thắn nhìn nhận là do khâu tổ chức thực hiện. Đó là việc kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chưa được thực hiện một cách kịp thời, triệt để. Cùng với đó là sự thiếu quyết liệt của người đứng đầu một số bộ, ngành, địa phương.

Từ thực tế mua sắm thiết bị liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua cho thấy, dù Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết cho phép mua theo cơ chế đặc cách, đặc biệt, đặc thù nhưng vẫn xuất hiện việc một số nơi vẫn dùng dằng không dám mua. Điều đó cho thấy, tâm lý “sợ trách nhiệm” chính là rào cản vô hình kéo chậm tiến độ giải ngân trong một số bộ, ngành, địa phương, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Muốn chấm dứt tình trạng “có tiền mà không tiêu được” cần kiên quyết không đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục. Giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án. Xác định rõ năng lực các ban quản lý dự án. Xử lý nghiêm những cán bộ, cơ quan làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Không để vốn đầu tư công “ngủ yên” chỉ vì cán bộ luôn “sợ trách nhiệm”.

Lê Hùng