Bịt kín "khoảng trống", "kẽ hở" để không thể tham nhũng, tiêu cực

- Thứ Sáu, 01/07/2022, 05:54 - Chia sẻ

Tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa XI diễn ra vào tháng 5.2012, chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị đã được thông qua. Và ngày 1.2.2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gồm 16 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban nhằm chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Trải qua quãng thời gian không dài - 10 năm nhưng những gì mà Ban Chỉ đạo làm được đã khẳng định đây là chủ trương mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của Trung ương trước vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Mô hình do Tổng Bí thư chủ trì, cùng với tổ chức, cơ chế mới đã đem lại những kết quả bước đầu rất quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII, trở thành địa chỉ tin cậy, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, củng cố sức mạnh nội lực của Đảng trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy.

Thực tế thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, rõ rệt, là dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những kết quả này là do Trung ương đã đặt đúng vị trí của Ban Chỉ đạo, từ đó tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện tính quyết đoán cao, sáng suốt, kịp thời - Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim nhận định.

Còn theo Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, trong kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các cơ quan đã có sự phối hợp, kết hợp, khớp nối với nhau rất chặt chẽ, nhịp nhàng. Qua đó, khắc phục cơ bản tình trạng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nói là “cua cậy càng, cá cậy vây”. Và giờ đây, một cơ quan nào trong các cơ quan, lực lượng đấu tranh chống tham nhũng không muốn làm cũng không được...

Với cách làm khoa học, bài bản, đúng quyền hạn và trách nhiệm, không “lấn sân”, không làm thay các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Trung ương đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao, đó là chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cụ thể, chặt chẽ các công việc với một bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh". Điều này đã tạo nên thắng lợi bước đầu trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Như trong diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022 diễn ra hôm qua, 30.6 thì phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong "lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy.

Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng, tiêu cực".

Ninh Hà