Xử lý trách nhiệm đến nơi, đến chốn!

- Thứ Tư, 18/05/2022, 06:30 - Chia sẻ

Tính đến ngày 30.4.2022, 8 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã giải ngân được 5.768 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, đạt 14,2%. Tuy tỷ lệ giải ngân này được đánh giá là cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn bình quân chung của cả nước 15,08%.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công không chỉ xảy ra với 8 tỉnh khu vực này trong những tháng đầu năm nay. Tình trạng này đã từng xảy ra ở không ít bộ, ngành, địa phương với một nghịch lý tồn tại suốt nhiều năm qua đó là “có tiền mà không tiêu được”. Điều đáng nói là, cùng cơ chế chính sách, nhưng có địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, trong khi có nơi tỷ lệ này lại ở mức rất “khiêm tốn”.  

Bên cạnh những lý do khách quan, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công còn có nguyên nhân chủ quan. Theo đó, công tác tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ này tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc. Công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Đặc biệt, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được xử lý rốt ráo, chưa “đến nơi, đến chốn”.

Việc bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn vốn mà còn ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quan trọng là vậy, nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công!

Cũng bởi chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, mà Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn liên quan đến nội dung này. Theo đó, Quốc hội yêu cầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân và quyết toán vốn đầu tư. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương kịp thời điều chuyển vốn không có khả năng giải ngân và giải ngân chậm cho những dự án có tỷ lệ đã giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. “Năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Quốc hội giao” - nghị quyết của Quốc hội nêu rõ.

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, nhiều cuộc họp về vấn đề này cũng được Chính phủ triển khai thực hiện. “Sốt ruột” trước các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30.4.2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Qua kiểm tra, các tổ công tác sẽ nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Các bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ rõ. Sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, bắt tay vào cuộc của các tổ công tác để thúc tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm để bảo đảm về đích theo đúng yêu cầu Quốc hội là rất kịp thời, cần thiết. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch và hiệu quả trong triển khai dự án, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đánh giá khả năng thực thi giải ngân đầu tư công để đánh giá khả năng thực thi dự án. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong phạm vi thẩm quyền của mình phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát tiến độ giải ngân để bảo đảm đúng quy định.

Chỉ rõ bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn đầu tư công là cần thiết. Nhưng điều này là chưa đủ nếu chúng ta vẫn thiếu cơ chế xử lý trách nhiệm đủ mạnh, đủ răn đe đối với cá nhân, cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng này.

Theo đó, cần mạnh tay loại những nhà thầu thi công không bảo đảm đúng tiến độ. Địa phương, bộ, ngành nào giải ngân chậm thì vốn đầu tư được chuyển cho địa phương, bộ ngành khác thực hiện. Kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt hơn. Coi kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí để đánh giá cán bộ.

Trên cơ sở đó, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, đơn vị cố tình gây chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công. Bởi, trách nhiệm mà chỉ nhắc nhở chung chung, xử lý không đến nơi, đến chốn, thì tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn tiếp diễn!

Lê Hùng