Không đánh mất cơ hội...

- Thứ Ba, 24/05/2022, 06:05 - Chia sẻ

Trái ngược với tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần diễn ra ồ ạt thời gian qua, đại diện Phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho biết, một bộ phận lao động muốn nộp lại tiền đã nhận, đóng tiếp để hưởng lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Hiện cơ quan này đang tổng hợp số liệu từ các địa phương và theo luật hiện hành, lao động nếu rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn có thể tiếp tục đóng nhưng không được bảo lưu số năm tham gia trước đó mà tính lại từ đầu.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chỉ riêng trong quý I.2022, đã có hơn 200.000 người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm việc làm và thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Một thống kê khác cho thấy, độ tuổi của người rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng trẻ hóa, phần lớn 20 - 30 tuổi và ngoài khu vực nhà nước. 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội. Đây là thực tế đáng lo ngại đã được đề cập tới nhiều lần.

Lý do dẫn đến tình trạng rất đáng suy nghĩ, trăn trở này, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu là bởi dịch Covid-19 kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động và gia đình. Thực tế, một bộ phận không nhỏ người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên rút bảo hiểm xã hội một lần là giải pháp "khả thi" nhất nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác là quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần đơn giản, dễ dàng nhưng để được hưởng lương hưu, thời gian đóng bảo hiểm khá dài, tối thiểu 20 năm. Là do một số lĩnh vực, doanh nghiệp có xu hướng giảm sử dụng lao động lớn tuổi nhưng nhóm này khó tiếp tục làm ở những doanh nghiệp khác để tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội nên có xu hướng hưởng một lần.

Ý kiến khác cũng cho rằng, việc số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng thời gian qua phản ánh thực tế một bộ phận không nhỏ công nhân, người lao động đang phải đối diện với hoàn cảnh rất khó khăn, thậm chí nghèo túng nên phải rút bảo hiểm xã hội để duy trì cuộc sống - dù biết là không nên. Do đó, điều đặc biệt quan trọng để khắc phục tình trạng này là cần nghiên cứu, điều chỉnh thời gian đóng hưởng bảo hiểm xã hội hợp lý với từng đối tượng. Về lâu dài, Nhà nước cần hỗ trợ người lao động có việc làm và thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Với những lao động khó khăn, nên có chính sách hỗ trợ như cho vay với lãi suất ưu đãi để người lao động giải quyết khó khăn trước mắt. Khi có được công việc ổn định, người lao động sẽ trả dần.

Việc rút bảo hiểm xã hội một lần không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội lâu dài, nhất là khi những năm tới, nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Vậy nên, cho dù mới chỉ có một bộ phận người lao động muốn nộp lại tiền thì đây cũng là bước chuyển tích cực về nhận thức, để không đánh mất cơ hội hưởng an sinh xã hội...

Ninh Hà