Có thực sự cần thiết?

- Thứ Sáu, 29/04/2022, 04:01 - Chia sẻ
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) với mặt hàng xăng động cơ, xăng không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống 12%.

Hiện nay, mặt hàng xăng động cơ, xăng không pha chì dùng để sản xuất xăng E5 RON 92, RON 95 có thuế suất MFN là 20%, thuế suất FTA tại các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VNEAEU) là 8%; EVFTA là 20%.

Theo Bộ Tài chính, diễn biến gần đây đang cho thấy thị trường xăng dầu thế giới sẽ còn những biến động khó lường, khó dự báo, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu của nước ta. Do đó, với mức chênh lệch thuế suất MFN và thuế suất FTA sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung mới, góp phần đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu từ các quốc gia khác, tránh phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay trong trường hợp nguồn cung trên thị trường thế giới biến động, bị thiếu hụt, đồng thời vẫn bảo đảm dư địa đàm phán các Hiệp định FTA mới trong tương lai...

Như vậy có thể thấy, đề xuất điều chỉnh mức thuế như ý kiến của Bộ Tài chính chỉ đơn thuần hướng tới việc đa dạng nguồn cung chứ có thể không tác động nhiều đến việc giảm giá xăng trong nước do hiện nay xăng nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc. Thực tế thời gian qua, khi giá xăng dầu trong nước liên tục được điều chỉnh tăng, đã có nhiều ý kiến cho rằng nên sử dụng hiệu quả hơn các công cụ thuế bởi mỗi lít xăng hiện nay phải chịu thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế VAT 10% và thuế bảo vệ môi trường khoảng 2.000 đồng/lít. Các loại thuế này chiếm gần 40% giá thành bán ra mỗi lít xăng. Bên cạnh đó, mỗi lít xăng cũng phải chịu thêm chi phí kinh doanh, phí lợi nhuận định mức, trích lập quỹ bình ổn, phí lợi nhuận doanh nghiệp...

Cũng vì những lý do này, cộng với giá dầu trên thị trường thế giới diễn biến phức tạp nên dù từ ngày 1.4, thuế bảo vệ môi trường mỗi lít xăng giảm 2.000 đồng và 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn nhưng giá xăng trong nước vẫn chịu áp lực tăng giá rất cao. Bởi vậy, theo nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, bên cạnh giải pháp giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm mức trích vào quỹ bình ổn giá, cần tính đến cả các chính sách thuế khác. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần đánh giá xem giá xăng dầu của Việt Nam phù hợp như thế nào với điều kiện cụ thể của nền kinh tế để vừa có lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, vừa có lợi cho người tiêu dùng và hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cần nhấn mạnh rằng, tại cuộc họp diễn ra hồi đầu tháng 2 nhằm tìm giải pháp điều hành thị trường xăng dầu, bảo đảm đủ nguồn cung cho phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định không thiếu nguồn cung, năng lực của các nhà sản xuất và nhập khẩu cung ứng cũng như nguồn dự trữ trong nước vẫn đang đáp ứng đủ... thì việc đặt vấn đề giảm thuế để đa dạng nguồn cung xăng dầu có thực sự cần thiết? Bởi điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thu ngân sách, trong khi không tác động nhiều đến giảm giá xăng dầu trong nước.

Ninh Hà