Bảo đảm quyền bầu cử cho mọi đối tượng trong đại dịch

- Chủ Nhật, 18/04/2021, 06:15 - Chia sẻ
Bầu cử là một quyền dân chủ cơ bản. Nhưng trong khi nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp đặc biệt để cho phép những người nhiễm SARS-Cov-2 và những người tự cách ly có thể bỏ phiếu, thì một số quốc gia lại đưa ra quy định ngăn cấm, tước đi quyền công dân cơ bản của họ.

Bất bình đẳng trong tiếp cận hòm phiếu

Trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Belize đã cảnh báo rằng những người được xác định nhiễm Covid-19 hoặc trong diện cách ly sẽ không thể tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, quyền bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử là một phần thiết yếu của quá trình dân chủ. Các tiêu chuẩn quốc tế về bầu cử và các nhà lý thuyết dân chủ cho rằng mọi người phải bình đẳng trước hòm phiếu, bất kể sức khỏe thể chất hay tinh thần của cử tri trong ngày bỏ phiếu.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn tồn tại tình trạng bất bình đẳng khó tránh khỏi trong việc tiếp cận với các cuộc bầu cử, ngay cả trong những điều kiện bình thường. Chẳng hạn người khuyết tật thường gặp khó khăn khi đi bỏ phiếu do các điểm bỏ phiếu không có đường cho xe lăn, hoặc một số cá nhân bị ốm đau ngắn hạn và dài hạn trong ngày bầu cử. Do đó, các biện pháp để tạo điều kiện cho những đối tượng này có thể bỏ phiếu thường được quy định trong pháp luật bầu cử của các nước, chẳng hạn bỏ phiếu từ xa, lá phiếu chữ nổi…

Nhân viên bầu cử Hàn Quốc mặc trang phục bảo hộ để bảo đảm an toàn

Hoàn cảnh đặc biệt của đại dịch Covid-19 càng khiến những vấn đề này trở nên nhức nhối hơn. Cho đến nay, đã có tổng số 123 triệu trường hợp mắc bệnh được xác nhận trên toàn thế giới, và con số này đang tăng lên nhanh chóng. Hàng triệu người khác đang chăm sóc cho gia đình hoặc bạn bè hoặc đã được cách ly trong hộ gia đình của họ nếu họ hoặc một thành viên trong gia đình bị nhiễm bệnh.

Trong khi đó, các cuộc bầu cử liên quan đến hoạt động di chuyển của hàng triệu người trong ngày bầu cử bao gồm nhân viên bầu cử, ứng cử viên và cử tri - và đó là cơ hội để dịch bệnh lây lan.

Thủ tướng Belize nhấn mạnh, những người mắc Covid-19 hoặc phải cách ly sẽ không được phép bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 11.11.2020 vì điều đó là trái luật và việc mở rộng bỏ phiếu ủy quyền cho bệnh nhân Covid-19 sẽ không thể thực hiện được.

Belize không phải là quốc gia duy nhất đưa ra quy định này. Ở Singapore, Ủy ban Bầu cử (ELD) của nước này thông báo trong ngày bầu cử Quốc hội 10.7.2020, các bệnh nhân mắc Covid-19 và những người bắt buộc phải cách ly theo Lệnh cách ly (QO) do chính quyền ban hành sẽ không được đi bỏ phiếu.

Người phải cách ly theo QO là các cá nhân bị nghi ngờ nhiễm virus, hoặc đã có tiếp xúc gần với người mắc Covid-19. Nhóm này khác nhóm đối tượng phải cách ly tại nhà (SHN) kéo dài 14 ngày - áp dụng với các cá nhân mới trở về từ nước ngoài. Nếu họ rời khỏi nhà của họ, họ sẽ vi phạm Đạo luật Bệnh truyền nhiễm của Singapore. Tương tự, ở Đài Loan (Trung Quốc), những người bị cách ly hoặc cách ly tại nhà bị cấm ra ngoài và bỏ phiếu vì điều này sẽ vi phạm Đạo luật Kiểm soát Bệnh Truyền nhiễm của Đài Loan. Trong khi đó, trong cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp của Chile vào ngày 25.10.2020, những người nhiễm virus sẽ bị trừng phạt nếu họ bỏ phiếu.

Làm thế nào để tạo điều kiện?

Tin tốt cho nền dân chủ là khá nhiều trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ tổ chức bầu cử từ cuối tháng 2.2020 đã áp dụng các biện pháp mới về sức khỏe và an toàn cho cử tri và các quan chức phòng phiếu trên cơ sở phối hợp với các cơ quan y tế quốc gia. Các biện pháp này bao gồm: Bỏ phiếu qua bưu điện, bỏ phiếu ủy nhiệm, bỏ phiếu tại nhà và dựa trên việc sắp xếp trong phòng bỏ phiếu.

Bỏ phiếu qua bưu điện là một trong những cơ chế được áp dụng khá phổ biến. Những người được chẩn đoán mắc Covid-19 ở Hàn Quốc được chỉ định bỏ phiếu qua bưu điện trong cuộc bầu cử tháng 4 năm ngoái. Ngoài ra, vào tháng 6, trước cuộc bầu cử quốc hội ở Bắc Macedonia, những người mắc Covid-19 hoặc đang bị cách ly có thể bỏ phiếu từ nhà thông qua các đội bỏ phiếu di động. Ở New Zealand, các cử tri trong diện cách ly hoặc cô lập có thể bỏ phiếu qua điện thoại trước cuộc tổng tuyển cử.

Một số quốc gia áp dụng biện pháp sắp xếp đặc biệt tại các điểm bỏ phiếu để cho phép những người mắc Covid-19 hoặc đang bị cách ly có thể bỏ phiếu trực tiếp. Ở Jamaica, công dân mắc Covid-19 có thể bỏ phiếu từ 4 - 5 giờ chiều tại các điểm bỏ phiếu với điều kiện họ đã thông báo cho chính quyền và phải đeo khẩu trang, găng tay và bộ đồ bảo hộ.

Đối với cuộc bầu cử Thượng viện ở Cộng hòa Séc vào ngày 2 - 3.10.2020, cử tri có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và những người bị cách ly có một số kênh bỏ phiếu, bao gồm bỏ phiếu trên ô tô (cử tri sẽ bỏ phiếu từ xe của họ tại các điểm bỏ phiếu cụ thể), bỏ phiếu trực tiếp tại một điểm bỏ phiếu đặc biệt dành cho người bệnh hoặc bỏ phiếu tại nhà bằng cách yêu cầu một nhóm bỏ phiếu di động.

Thích nghi với tình trạng bình thường mới

Dịch Covid-19 sẽ không sớm chấm dứt. Bất chấp sự xuất hiện của vaccine, các ca bệnh vẫn liên tục tăng cao. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính việc tiêm chủng đại trà chỉ có thể hoàn tất sớm nhất là cuối năm 2024.

Điều đó có nghĩa là các cơ quan bầu cử của các nước cần có cái nhìn dài hạn về đại dịch và cách nó có thể ảnh hưởng đến quyền bầu cử của các nhóm dễ bị tổn thương. Các phương pháp bỏ phiếu mới thường cần được thảo luận, thống nhất và pháp lý hóa trong khoảng thời gian từ sáu tháng đến một năm trước khi cuộc bầu cử diễn ra để duy trì nguyên tắc ổn định của luật bầu cử.

Vũ Quỳnh