Diễn đàn đại biểu dân cử

Xây dựng chính sách đặc thù phát triển nhân lực dân tộc thiểu số

- Thứ Ba, 28/02/2023, 18:39 - Chia sẻ

Từ hoạt động giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15.6.2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh sớm xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết quy định chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng, điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh.

Giảm dần chênh lệch giàu - nghèo 

Theo kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk, qua 5 năm (2016 - 2020) triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế theo quy định của Trung ương được các sở, ngành và UBND các địa phương triển khai tích cực. Các chính sách đặc thù của tỉnh đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện.

Cụ thể, việc triển khai thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã góp phần làm thay đổi đời sống, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng cao; đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiêu số dần khẳng định vai trò của mình, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, tích cực tuyên truyền người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần thu hẹp dần khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng trong huyện, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo, ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Về thực hiện chỉ tiêu phát triển trí lực, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt trên 97%, bậc THCS đạt hơn 93%; bậc THPT là hơn 69%. Số cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện là 288/2.987 người, đạt 9,6% trong tổng số cán bộ, công chức. Số viên chức là người dân tộc thiểu số cấp tỉnh, cấp huyện là 442/37.096 người. Cán bộ công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số 744/4.142 người, đạt 17,96% tổng số cán bộ, công chức.

Đến nay, cơ bản, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong tỉnh đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, về quản lý nhà nước, nhất là đối với cán bộ chủ chốt từ cấp huyện, thành phố trở lên. Nhờ đó, không chỉ số lượng cán bộ dân tộc thiểu số các cấp trong hệ thống chính trị không ngừng được tăng lên, trình độ các mặt cũng có những thay đổi sâu sắc.

Kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cũng chỉ rõ, ngành lao động, thương binh và xã hội đã phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu của người lao động và thị trường lao động. Hiện tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động từ 18 - 35 được tham gia các khóa đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng lao động, kỹ năng tìm việc, làm việc đạt hơn 70%...

Sớm xây dựng chính sách đặc thù

Theo báo cáo của Ban Dân tộc, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 667.304 người là dân tộc thiểu số, chiếm 35,69% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 54 xã khu vực III và 519 thôn, buôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực, song giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng cho thấy: Tỷ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số đang làm việc tại một số cơ quan, đơn vị còn rất thấp; chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chưa đồng đều. Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số một số địa phương, ngành chưa cao; tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy, chính quyền các cấp còn thấp; công tác tuyển dụng tỉ lệ người dân tộc thiểu số trúng tuyển còn thấp...

Những khó khăn, hạn chế trên xuất phát từ một số nguyên nhân như: việc phân bổ nguồn lực chưa đáp ứng nhu cầu; nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc chưa thực sự đầy đủ, sâu sắc nên chưa tập trung chỉ đạo và thực hiện đúng mức; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Bên cạnh đó, hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số một số nơi có trình độ nhận thức thấp, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu vốn sản xuất, việc sử dụng vốn vay để phát triển sản xuất không hiệu quả; một số hộ vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng...

Trước thực tế trên, để tiếp tục thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn mới đạt hiệu quả, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 52/NQ-CP phù hợp với tình hình của địa phương giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.

Bên cạnh đó, đề xuất với UBND tỉnh sớm xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết đặc thù về quy định chính sách đặc thù hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng, điều động, luân chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk; nghị quyết về thành lập trường liên thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông tại trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện, để tăng cường công tác đào tạo, nuôi dưỡng nguồn cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.

Văn Lê