Ý kiến cử tri

Hỗ trợ phát triển bền vững từ truyền thống

- Thứ Ba, 28/02/2023, 18:52 - Chia sẻ

Việc xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình doanh nghiệp cộng đồng ở khu vực miền núi phía Bắc gắn với giải pháp thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền của người Dao Đỏ đang góp sức cùng các dân tộc chủ động phát triển bền vững, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Thương mại hóa bài thuốc cổ truyền

Ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sapa cho biết: Tả Phìn trước đây vốn là một xã vùng sâu vùng xa của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, dân tộc thiểu số 95%, sống nhờ cây lúa mỗi năm một vụ, hơn 40% hộ diện đói nghèo. Năm 2003, khởi đầu từ một nghiên cứu về bài thuốc tắm của người Dao Đỏ của các nhà nghiên cứu Trường Đại học Dược Hà Nội, Hội Phụ nữ xã Tả Phìn (nòng cốt là hai bà Chảo Sử Mẩy và Lý Mẩy Chạn) đã đề nghị các nhà khoa học hỗ trợ người dân xây dựng một cơ sở tắm tại xã. Năm 2006, huy động vốn của người dân (công lao động, gỗ, mặt bằng sử dụng đất, tiền) và tri thức của các nhà khoa học Trường Đại học Dược Hà Nội, Công ty cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa (Sapanapro) - doanh nghiệp cộng đồng của người Dao Đỏ tại xã Tả Phìn chính thức được thành lập.

Những đóng góp của bà con, như tiền, công lao động, đất đai, nguyên vật liệu để xây dựng công ty đều được quy ra cổ phần. Lúc đầu, Công ty được xây dựng với sự tham gia của 14 hộ cổ đông, hiện tại có 116 hộ, gồm hai dân tộc Dao và Mông, tất cả là hộ nghèo. Cổ đông trực tiếp cung cấp nguyên liệu đầu vào, mỗi ngày luân phiên một gia đình đưa thuốc được khai thác từ vườn rừng của họ nhập về Công ty. Các cổ đông được quyền làm chủ và bàn bạc quyết định giá nguyên liệu đầu vào mà bà con mang đến, phân chia lợi nhuận... theo hướng công bằng thương mại bảo đảm hài hòa lợi ích của công ty và cộng đồng.

Doanh nghiệp bắt đầu hoạt động từ năm 2007. Tuy nhiên, gần 3 năm đầu gặp nhiều khó khăn, kinh doanh gần như không có lãi do chưa nhiều khách hàng biết đến sản phẩm của công ty, chất lượng bao bì và mẫu mã chưa hấp dẫn... Từ năm 2010 đến nay doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn nhờ củng cố bộ máy nhân sự, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức quảng bá tiếp cận thị trường... Từ đó, tạo thu nhập trực tiếp cho các hộ gia đình là cổ đông; giảm thiểu nguy cơ phá rừng cho nhóm cộng đồng sống chủ yếu dựa vào rừng (khai thác gỗ bán, chặt củi); nâng cao năng lực cộng đồng, đặc biệt cho chị em phụ nữ...

Xây dựng vùng nguyên liệu bền vững

Hoạt động của doanh nghiệp cộng đồng bên cạnh những lợi ích về kinh tế cho đồng bào, còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Dao Đỏ. Tuy nhiên, theo ông Lý Láo Lở, bài thuốc tắm của người Dao Đỏ đang bị chiếm dụng bởi nhiều nhóm người khác nhau với mục đích thương mại. Hậu quả là không bảo đảm đúng giá trị vốn có, thậm chí thuốc tắm bị làm giả làm nhái. Điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị truyền thống và là rào cản đối với cơ hội kinh doanh của người Dao Đỏ.

Bên cạnh đó, rừng đầu nguồn đang bị tàn phá, tài nguyên rừng cạn kiệt, diện tích rừng thu hẹp, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Là một xã vùng sâu nhưng độ che phủ của rừng ở Tả Phìn chỉ còn hơn 35%, chủ yếu là rừng nghèo, rừng non chiếm hơn 50%. Chất lượng rừng suy giảm đáng báo động đặc biệt tài nguyên cây thuốc cạn kiệt do khai thác quá mức và buông lỏng quản lý.

Hơn nữa, tài nguyên cây thuốc ở Tả Phìn nói riêng và Lào Cai nói chung đang bị khai thác ồ ạt (của những gia đình không phải cổ đông của công ty). Bà con Dao đỏ chủ yếu khai thác cây thuốc từ rừng tự nhiên. Chính quyền địa phương, các cấp liên quan chưa thật sự quan tâm đến việc nhân giống, gieo trồng, bảo đảm nguồn gien cây thuốc, do đó có nguy cơ cạn kiệt cây thuốc.

Tri thức truyền thống của người Dao nói chung và nghề thuốc nói riêng đang mai một và mất dần do lớp người nắm giữ nguồn tri thức này tuổi đã cao. Nhiều bài thuốc đã thất truyền theo sự ra đi của những người nắm giữ. Trong khi đó, lớp trẻ ngày nay không muốn kế thừa tri thức của cha ông...

Trước thực trạng đó, việc thương mại hóa bài thuốc tắm của người Dao Đỏ là một bước đi phù hợp góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo tồn nguồn tài nguyên cũng như tri thức văn hóa của dân tộc. Thời gian tới, Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sapa mong muốn nhân rộng mô hình kết hợp mở rộng liên kết và mạng lưới cổ đông; huy động thêm đồng bào dân tộc Dao, Mông và các dân tộc khác tham gia để tạo thành mạng lưới cho các vùng nguyên liệu; đa dạng hóa sản phẩm, kênh phân phối; xây dựng nguồn lực vật chất và con người đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và nhân rộng mô hình...

Tuy nhiên, ông Lý Láo Lở cho biết, hiện nay, do không thể tiếp nhận các nguồn đầu tư từ các nhà đầu tư không cùng triết lý, cổ đông là các họ đồng bào dân tộc Mông và Dao (đa số là hộ nghèo) nên nguồn lực tài chính eo hẹp, hạn chế đến hiệu quả và việc phát triển của doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ mô hình kinh doanh này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương định hướng xây dựng vùng nguyên liệu chiến lược sử dụng lâu dài; đồng thời có các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng về khai thác, chăm sóc, bảo vệ tài nguyên rừng... nhằm tạo nên hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn bền vững và thân thiện, gắn bó với sinh kế của người dân.

Ngọc Phương