Kinh nghiệm thoát nghèo

Gieo khát vọng từ mạch sinh nguồn sống

- Thứ Bảy, 25/02/2023, 15:35 - Chia sẻ

Bằng tâm thế chủ động, kiên trì và tinh thần quyết tâm, nhiều bà con dân tộc thiểu số đã tìm về, ứng dụng chính tri thức của mình để vươn lên thoát nghèo, đổi thay đời sống.

Làm “kinh tế xanh xanh”

“Kinh tế xanh xanh” là cách anh Ma Văn Hùng, người Tày, ở xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, đặt tên cho “cơ nghiệp” của mình. Nhiều năm trước, khi anh cùng bà con trong xã tham gia hội thảo về sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, “tôi nhận thấy nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp lúc nào cũng khuyên trồng độc canh một cây chất lượng cao, nhưng chính người làm là nông dân phải chịu cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Tôi nghĩ khởi nghiệp không phải dành cho mọi người, và không nhất thiết cứ phải làm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa”.

Cách canh tác truyền thống của người dân tộc thiểu số là luôn trồng, nuôi nhiều cây, nhiều con. Trở về tri thức bản địa, cùng một khu ruộng, anh Hùng trồng khoai tây, dưa hấu, lúa giống truyền thống luân phiên nhau. Anh để cây cỏ mọc tự nhiên, xung quanh bờ vườn là trám, sấu, cây thuốc nam um tùm, vườn nuôi cả trâu, lợn, gà ri cùng lúc. Trâu cho ăn cỏ, lợn ăn rau lang, ngô, gà ri ăn ngô và thóc. Tuy mất thời gian để chúng lớn và bán được, nhưng tránh hẳn được thức ăn công nghiệp. Về mặt kinh tế, nhờ đa cây, đa con, anh Hùng không sợ chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa, vì không bao giờ đánh cược một thứ duy nhất.

“Chẳng hạn, lợn mất giá thì gia đình tôi vẫn giữ lại nuôi, trong lúc đó gà được giá thì đem bán. Lợn nuôi cám ngô sẵn trong nhà, không phải đầu tư cám công nghiệp nên giữ lại chẳng ảnh hưởng gì. Hay ớt mất giá thì có khoai tây, dưa hấu bù lại. Có người khi biết tôi nuôi gà 6 tháng mới xuất chuồng đã lắc đầu bảo cần thay đổi cách chăn nuôi, áp dụng khoa học nuôi giống gà công nghiệp chỉ 3 tháng là bán được. Tôi vẫn nuôi 6 tháng nhưng bán được giá gần gấp đôi và luôn có người đặt mua từ trước không cần mang đi đâu bán”.

Anh Ma Văn Hùng cho biết, chính cách làm này đã giúp đồng bào dân tộc Tày sinh sống bao năm nay. “Nhược điểm là người ta làm không giàu nhanh, giàu sụ lên được, nhưng cũng chẳng bao giờ nghèo”.

Thành quả bền vững

Về xã Ôn Lương, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, cái tên Nguyễn Thị Lâu được nhiều bà con dân tộc Tày nhắc đến vì giỏi trồng lúa nước. Trồng lúa là nghề chính của bà con nông dân nơi đây, tuy nhiên nhiều năm nay gặp thời tiết xấu, sâu bệnh… làm cho đời sống gặp nhiều khó khăn. “Mỗi nông dân có cách làm riêng” - chị suy nghĩ về cách làm của mọi người và nhận thấy việc dùng những giống lúa lai mới, năng suất cao, kèm thuốc trừ cỏ, phân hóa học tràn lan làm chai đất, hỏng nước, đầu tư chi phí cao, lương thực lại không bảo đảm. “Tôi quyết tâm giữ nếp cũ trồng lúa bao thai và nếp vải - giống bản địa chỉ một vụ một năm”.

Một mùa bắt đầu từ việc chọn giống lấy hạt từ những bông lúa ở ruộng về bó thành cụm. Giống để được vụ này qua vụ khác. Khi gieo mạ thì vò, đãi, ngâm, ủ cho “mậm” mới đem gieo, 30 ngày sau nhổ đem đi cấy. “Lúa này chẳng chê đất. Đất chằm, đất thụt, đất cạn, chỉ cần có nước là cấy được. Mình cấy vào mùa hè, lúa trổ mùa thu, gặt vào mùa đông. Để làm đất, chị cày bừa vỡ, sau đó ngâm khoảng 20 ngày. Rồi lại cày đảo, gánh phân chuồng, phân xanh ra ủ, sau đó mới bừa và cấy. Thời gian sinh trưởng của hai giống lúa này hết 145 ngày thay vì 115 ngày như những giống lúa lai. Lá lúa bao thai, nếp vải luôn cứng, chẳng mềm lướt, chẳng xanh mướt kiểu lúa lai, chính do vậy chúng lại ít sâu”.

Chị Nguyễn Thị Lâu cho biết, để chăm lúa, chị bón lót phân chuồng, phân xanh nhiều đợt, mọi việc phòng trừ sâu bệnh đều làm bằng tay. “Mình thăm ruộng thường xuyên, bắt sâu, ngắt ổ trứng bướm. Khi lúa cao được 25 phân, mình thả vịt vào ăn sâu. Nếu có rầy nâu, rầy xanh, rải tro bếp là ổn. Cứ như vậy, một tạ thóc thu 70 - 75kg gạo, trong khi lúa lai tuy sản lượng lớn nhưng thường chỉ thu được 50kg gạo/tạ thóc. Một sào lúa tôi còn đan được 10 cái chổi rơm, bán vui cũng được 20 - 30.000 đồng/cái. Thóc nhà ăn không hết, tôi đem bán, những người biết và thích vị gạo này chỉ cho nhau tự tới tìm mua”.

Nhiều bà con người dân tộc thiểu số như anh Ma Văn Hùng, chị Nguyễn Thị Lâu… đang quay về phát triển sinh kế dựa trên vốn tri thức bản địa - là những kinh nghiệm, cách làm đã tồn tại bao đời của đồng bào mình. “Chẳng cần đi đâu tìm kiếm, chỉ cần quay về với tri thức của cha ông đã đúc kết. Cách làm không khó, chỉ cần chịu khó lao động là đủ. Khó nhất là kiên định tinh thần, khi tác động của xã hội, số đông cho rằng làm theo lối truyền thống như vậy là lạc hậu, chậm tiến, không tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật. Hãy tin vào thành quả phát triển bền vững từ chính những việc bình thường ấy”, chị Nguyễn Thị Lâu nói.

Thái Minh