Kinh tế - Xã hội

Đối thoại, tiếp sức nông dân Tuyên Quang

- Thứ Bảy, 25/02/2023, 15:16 - Chia sẻ

Qua 2 lần tổ chức, Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và nông dân đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định, thực chất, giúp lãnh đạo tỉnh có những chỉ đạo kịp thời, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chủ trương, chính sách giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Ngày 5.1.2023 đã diễn ra Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang và nông dân lần thứ hai với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững” theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hội nghị được tổ chức nhằm giúp chính quyền tỉnh Tuyên Quang nắm bắt thêm tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của nông dân, qua đó kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn.

Thiếu đầu ra, kém liên kết

Hơn 100 cán bộ, hội viên nông dân, doanh nghiệp, các hợp tác xã trong lĩnh vực đại diện cho hơn 117 nghìn hội viên nông dân tỉnh Tuyên Quang đã tham dự hội nghị. Các đại biểu đã thảo luận, đưa ý kiến và đề xuất nhiều nội dung liên quan đến 3 nhóm vấn đề chính, gồm: Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; Phát triển nông nghiệp bền vững; Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và chuyển đổi số.

Ông Lương Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ và chăn nuôi Thành Công, xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, nêu thực tế, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn khi trâu, bò khó tiêu thụ, giá bán giảm. Cụ thể, so với đầu năm 2021, giá bán trâu, bò hiện nay giảm khoảng 30 - 40%. Do đó, các hộ dân gặp nhiều khó khăn về vốn khi muốn tiếp tục duy trì đàn trâu, bò. Ông Hưng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo có giải pháp tháo gỡ về vốn và định hướng kết nối thị trường, giải quyết đầu ra cho sản phẩm trâu bò.

Ông Nông Quang Sự, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hàm Yên cho biết, hiện nay, trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung, việc liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học với doanh nghiệp) chưa thực sự chặt chẽ. Điều này dẫn tới việc sản xuất không theo quy hoạch, không nắm vững thông tin thị trường ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm của địa phương.

Đại diện Hội Nông dân huyện Hàm Yên mong muốn Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đưa ra giải pháp tháo gỡ những vướng mắc hiện nay; định hướng liên kết nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới gắn với nâng cao năng lực sản xuất, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ổn định đầu ra cho sản phẩm…

Đồng hành với nông dân phục hồi, phát triển bền vững

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã tiếp thu và giao lãnh đạo các sở, ngành liên quan trực tiếp trả lời các ý kiến tại hội nghị. Lãnh đạo Sở Công thương chỉ ra nguyên nhân của việc các hộ gia đình gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm trâu bò, giá bán giảm. Thời gian tới, để giúp nông dân duy trì chăn nuôi, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển đến nông dân; định hướng cho nông dân chăn nuôi theo chuỗi liên kết phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng.

Cùng với đó, các ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, chăn nuôi hiện đại, khép kín, tự động để tối ưu hóa sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao; xây dựng chính sách hỗ trợ các đơn vị, tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là giải pháp đầu ra mang tính bền vững, lâu dài giúp người chăn nuôi yên tâm và giảm thiểu những tác động của thị trường.

Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, hiện nay, liên kết 4 nhà trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ, chủ yếu do khâu tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế. Việc thành lập các hợp tác xã liên kết sản xuất nhiều hộ dân chưa được người nông dân chú trọng thực hiện. Thời gian tới, để liên kết 4 nhà phát triển và mang lại hiệu quả, Hội Nông dân các cấp cần tích cực tuyên truyền, động viên hội viên thực hiện sản xuất theo mô hình hợp tác xã để có đầy đủ tư cách pháp nhân hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, được tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật, ổn định đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Quan trọng hơn, hoạt động theo các hợp tác xã là điều kiện cần để nhà nông thuận tiện trong liên kết với những “nhà” còn lại...

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn yêu cầu, ngay sau buổi đối thoại, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố cần triển khai các ý kiến đã trao đổi tại Hội nghị để giải quyết kịp thời vướng mắc của hội viên nông dân, quan tâm tạo điều kiện để tiếp sức, hỗ trợ, đồng hành với nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đồng thời, các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành chủ động tham mưu với UBND tỉnh các giải pháp để thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đáp ứng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nông dân.

Để hỗ trợ hội viên nông dân Tuyên Quang phát triển, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cần định kỳ tổ chức đối thoại với nông dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, đề xuất kịp thời với lãnh đạo tỉnh xem xét, chỉ đạo các sở, ban, ngành có giải pháp giúp nông dân phát triển sản xuất kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống. Kết quả của những hoạt động này góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu đưa Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.

Các hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh cần tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, xây dựng và tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của địa phương; sử dụng những lợi thế, nét văn hóa riêng có của dân tộc, quê hương mình để xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng...

Nguyễn Quang