Không coi là “việc đã rồi”

- Thứ Ba, 24/05/2022, 06:00 - Chia sẻ

Không chỉ ghi nhận tinh thần nỗ lực, quyết tâm đổi mới, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, gần dân và sát thực tiễn hơn… để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Quốc hội Khóa XV trong gần một năm qua, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu trong thảo luận và quyết định, nhất là đối với những nội dung còn tâm lý coi là “việc đã rồi”. Tinh thần trách nhiệm, quyết liệt của Quốc hội sẽ tiếp tục lan tỏa đến hoạt động của HĐND các địa phương, nhất là trong chuẩn bị, tổ chức kỳ họp thường kỳ giữa năm sắp tới.

Giữ đúng lời hứa trước cử tri và nhân dân

Nhìn lại hoạt động của Quốc hội Khóa XV từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể thấy, với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn, quyết tâm hành động và đổi mới, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, chất lượng không ngừng được nâng lên, được đông đảo cử tri cả nước đánh giá cao. Đặc biệt là việc tổ chức thành công 2 kỳ họp thường lệ và kỳ họp bất thường với những đổi mới cả về tư duy, phương thức hoạt động để linh hoạt thích ứng và đáp ứng kịp thời những yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Nhất là ban hành nhiều quy định chưa có tiền lệ nhằm tạo thuận lợi cho công tác phòng chống dịch bệnh, tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trước mắt và cho cả mục tiêu phát triển nhanh và bền vững lâu dài.

Điển hình, ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã kịp thời bổ sung nội dung phòng, chống dịch Covid-19 vào chương trình và Nghị quyết của kỳ họp - một việc làm chưa có tiền lệ, khẳng định Quốc hội luôn sẵn sàng đổi mới, sáng tạo, đồng hành với Chính phủ, hệ thống chính trị và lấy người dân làm trung tâm. Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội đã trao cho Chính phủ thẩm quyền được thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch khác với quy định của pháp luật, hay chưa được pháp luật quy định để kịp thời đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Giữa 2 kỳ họp, tinh thần làm việc ngày, đêm, không ngừng nghỉ của các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH tiếp tục được thể hiện rõ trong công tác chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ Ba. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức thành công Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp; chủ động, tích cực phối hợp có hiệu quả với các cơ quan liên quan, đồng thời, chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và cử tri, trân trọng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình kỳ họp - cơ sở quan trọng để Quốc hội ban hành những quyết sách thiết thực, khả thi nhất trong khoảng thời gian hạn hẹp (dự kiến Kỳ họp thứ Ba được tổ chức trong 19 ngày làm việc, từ ngày 23.5 - 16.6).

Đúng như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba: “Trong gần một năm qua, Quốc hội Khóa XV đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, gần dân và sát thực tiễn hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”; “các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát chương trình hành động, giữ đúng lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân”.

Tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hành động và đổi mới của Quốc hội đã, đang và sẽ tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ đến hoạt động của các cơ quan dân cử địa phương, nhất là trong công tác chuẩn bị cho việc tổ chức thành công kỳ họp thường kỳ giữa năm sắp tới bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng của địa phương.

Không coi là “việc đã rồi”
Các đại biểu dự khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV
Ảnh: Lâm Hiển

Phát huy tinh thần trách nhiệm, mạnh dạn thể hiện chính kiến

Với đại biểu dân cử, đặc biệt là những vị trí chuyên trách, một trong những yêu cầu quan trọng chính là bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm, nhất là trong bàn thảo, quyết định tại kỳ họp. Tuy nhiên trong thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà vẫn còn những nội dung trình ra kỳ họp đại biểu ngại thể hiện chính kiến, nhất là những nội dung coi như “việc đã rồi”, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng các quyết sách. Với tinh thần trách nhiệm trước cử tri, Nhân dân và trước sự phát triển bền vững của đất nước, những tồn tại, hạn chế trên đã được người đứng đầu Quốc hội nghiêm túc yêu cầu khắc phục.

Theo đó, một nội dung quan trọng tại kỳ họp thường kỳ giữa năm là về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Trong đó, Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 trên cơ sở xem xét báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước. Để xem xét, quyết định thông qua quyết toán ngân sách nhà nước chất lượng hơn hơn, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đề nghị các ĐBQH nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi đây là “việc đã rồi”, tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm qua… Từ đó, tập trung đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm về tài chính, ngân sách nhà nước; nâng cao chất lượng công tác này cũng như hiệu quả, chất lượng xem xét quyết toán ngân sách nhà nước của Quốc hội.

Thực tế hiện nay ở một số kỳ họp HĐND, Dự thảo quyết toán ngân sách nhà nước khi trình ra kỳ họp, hầu hết đại biểu nhất trí đồng thuận vì coi như đây là việc đã được quyết định - “việc đã rồi”. Việc thảo luận, chất vấn về ngân sách rất ít, có chăng chỉ ở một vài đại biểu chuyên trách. “Để có được chính kiến, đóng góp những ý kiến sâu sắc, quá trình chuẩn bị cho kỳ họp giữa năm của HĐND sắp tới, ngoài tài liệu được cung cấp, sự chủ động của đại biểu HĐND trong thực hiện quyền yêu cầu cung cấp thông tin rất quan trọng. Cùng với đó là chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND, thẩm tra càng sâu, rõ thì đại biểu HĐND sẽ có nguồn thông tin chính thống để phản biện, không chỉ với quyết toán ngân sách mà còn với hầu hết các nội dung trình kỳ họp” - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Trong công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp HĐND ở nhiều địa phương hiện nay, vẫn còn tình trạng cấp ủy can thiệp quá sâu vào hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (thường ở cấp huyện và xã). Hầu như các quyết sách của HĐND đều qua Thường trực, thường vụ và chấp hành cấp ủy họp, quyết định và cho ý kiến cụ thể, sau đó, HĐND mới họp. Từ cơ chế này dẫn đến trong thực tiễn, có những nơi, những nội dung nguyện vọng của cử tri và Nhân dân mâu thuẫn với quyết định của cấp ủy. Để không bị xuôi theo tình huống “việc đã rồi”, rất cần tinh thần trí tuệ và bản lĩnh, vị trí trong cấp ủy của đại biểu và điều hành quyết liệt của Chủ tọa, để có thể phản biện, thể hiện chính kiến, giúp HĐND quyết định đúng và trúng theo yêu cầu thực tiễn và mong đợi của cử tri, nhân dân. 

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

PHƯƠNG NGUYÊN