Công viên dành cho ai?

- Thứ Ba, 17/11/2020, 07:09 - Chia sẻ
Mặc dù việc quản lý công viên, cây xanh đã được UBND TP Hà Nội quy định rất cụ thể như: vai trò của chính quyền địa phương, vai trò của chủ đầu tư, đặc biệt xác định rất rõ vai trò của cộng đồng dân cư... Song, do các bên liên quan chưa quyết liệt trong giám sát, tố giác cũng như xử lý vi phạm nên tình trạng lấn chiếm đất, không gian công cộng tại không ít công viên trên địa bàn vẫn diễn ra, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Với khoảng 60 vườn hoa và công viên, chủ yếu phân bố tại các quận như Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đống Đa..., việc quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa của Hà Nội được thực hiện theo phân cấp rất rõ ràng từ năm 2016. Cụ thể, thành phố đã giao Sở Xây dựng quản lý, duy tu, duy trì các công viên cấp thành phố (Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình, Thống Nhất, Tuổi Trẻ...), hệ thống cây xanh đô thị trên các tuyến đường phố chính, đường trục khu vực. UBND các quận, huyện quản lý duy tu, khai thác công viên, vườn hoa, thảm cỏ trong khu dân cư, dải phân cách trên những tuyến đường khu vực theo địa bàn hành chính do quận, huyện được giao quản lý...

Tuy vậy, một thực trạng đáng buồn tại một số công viên lớn vẫn diễn ra; đó là các công viên đang bị những công trình sai phạm lấn chiếm không gian và diện tích. Bên cạnh đó, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường cảnh quan tại một số công viên, vườn hoa còn hạn chế, vẫn còn tình trạng vi phạm bán hàng quán tràn lan, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị. Đơn cử, tại Công viên hồ Đền Lừ, nơi đây không khác nào một cái chợ với la liệt hàng quán đồ cũ bày bán ngang nhiên trên đường dạo, bãi cỏ trong công viên. Không gian xanh của Công viên này đang từng ngày bị hủy hoại bởi những người thiếu ý thức bảo vệ môi trường sống, và bởi những hàng quán mọc lên như nấm.

Tại các công viên khác như: Thủ Lệ, Tuổi Trẻ, Nghĩa Đô..., tình trạng sử dụng sai mục đích - các công trình nhà hàng, quán cà phê, bãi trông giữ xe trái phép ngang nhiên mọc ngay trên đất các không gian công cộng - đã diễn ra nhiều năm không được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình nhất, tại Công viên Tuổi Trẻ, trước những sai phạm dai dẳng, đầu tháng 6 vừa qua, UBND TP Hà Nội đã công bố kết luận về việc thanh tra toàn diện quá trình hình thành, thực hiện dự án, quản lý, sử dụng đất, xây dựng công trình trong công viên. Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, hoàn thành trong tháng 6.2020. Nhưng cho đến nay, các công trình, hạng mục trò chơi xuống cấp gây nguy hiểm đến tính mạng người dân vào thể dục, vui chơi vẫn tồn tại.

Theo các chuyên gia về đô thị, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do vẫn còn có những nơi chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc tuyên truyền đến người dân về ý thức bảo vệ không gian xanh công cộng; chưa quyết liệt xử lý những hành vi vi phạm an ninh trật tự tại khu vực công viên vườn hoa. Về phía người dân, do chưa thể hiện và thấy rõ vai trò của mình trong công tác giám sát cộng đồng nên nhiều khi thấy rõ vi phạm mà không phản ánh, tố giác vi phạm với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý vi phạm... Điều này khiến những vi phạm tồn tại dai dẳng, kéo dài và ảnh hưởng đến cộng đồng.

Quy định đã có, việc quản lý đã được phân vai rõ ràng, song thiết nghĩ, để bảo vệ, phát triển không gian xanh tại các công viên vườn hoa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thủ đô không chỉ là công việc của các đơn vị quản lý mà rất cần sự chung tay của chính quyền và người dân. Cụ thể, đối với các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý vi phạm, không dung túng, bao che sai phạm; đối với người dân, cần chủ động, không xuê xoa, thể hiện rõ vai trò giám sát, mạnh mẽ hơn trong việc nói lên tiếng nói của mình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để tồn tại vi phạm.

Bảo Hân