Hà Nội yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng

Chưa phạt nghiêm, dân vẫn chủ quan, lơ là

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 06:39 - Chia sẻ
Mặc dù, mức phạt đối với người không đeo khẩu trang tại các nơi công cộng theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã tăng gấp 10 lần so với quy định xử phạt hành vi này tại Nghị định 176/2013, nhưng rất ít người dân sử dụng khẩu trang nơi công cộng, “phớt lờ” quy định.

Nhiều người vẫn phớt lờ quy định

Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội đã quy định tại 5 điểm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị và chợ, người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang. Ứng với quy định trên, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 12 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 15.11.2020) quy định phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Như vậy, mức phạt này đã tăng gấp 10 lần so với mức phạt cho hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định 176/2013 NĐ-CP ngày 14.11.2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Người dân chủ quan, lơ là
Người dân chủ quan, lơ là

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các điểm công cộng nêu trên của các lực lượng chức năng thành phố trong thời gian gần đây cho thấy, còn nhiều người dân vẫn chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt là nhiều người đã “phớt lờ” quy định, không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng như ở các khu khu chung cư, chợ, siêu thị...

Ghi nhận của phóng viên tại các hàng quán, công viên, bến xe, bệnh viện ở Hà Nội trong các ngày 19 - 20.11, tức sau 4 - 5 ngày Nghị định số 117/2020/NĐ-CP có hiệu lực cho thấy, đa phần người dân vẫn rất chủ quan trong phòng chống dịch. Cụ thể, tại bến xe Mỹ Đình, mặc dù lực lượng chức năng luôn ứng trực tại khu vực sảnh và các cửa ra vào bến xe, song việc đeo khẩu trang của hành khách ra vào bến chỉ là đối phó, đi ra khỏi phạm vi bến xe lại tháo ngay khẩu trang, thậm chí nhiều người vẫn “vô tư” không đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần tại nơi có đông người. Tại Công viên Nghĩa đô, quận Cầu Giấy, dù ngay ngoài cổng đã treo các biển bảng về phòng chống dịch và có hướng dẫn người dân đeo khẩu trang, song tại đây vẫn có rất nhiều người thoải mái ngồi chơi cờ với cự ly rất gần nhưng không đeo khẩu trang. Đáng chú ý có cả những người cao tuổi - đối tượng cần phải “phòng vệ” cao trong phòng chống dịch Covid-19 nhưng cũng không đeo khẩu trang.

Khảo sát tại các quán ăn, quán nhậu tại hầu hết các phố như Nguyễn Hoàng, Nghĩa Tân, Trần Thái Tông, Nguyễn Phong Sắc, Hàm Nghi, Xuân Thủy, và nhiều hàng quán ăn, quán cà phê tại các phố cổ nội đô trong những ngày qua cũng cho thấy, mặc dù chủ quán và người phục vụ khách rất nghiêm túc chấp hành quy định đeo khẩu trang, song chỉ có một số khách ý thức chấp hành đeo khẩu trang, còn lại đều không đeo, hoặc có đeo thì tình trạng nửa kín nửa hở đối phó.

Thừa nhận tình trạng trên, tại cuộc họp trực tuyến công tác phòng chống dịch với các quận, huyện của UBND TP Hà Nội chiều 19.11, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho biết, đúng là qua công tác kiểm tra công tác phòng chống dịch nói chung, việc chấp hành quy định về đeo khẩu trang tại những nơi công cộng nói riêng trong tuần qua cho thấy, có sự chủ quan, lơ là của nhiều người dân trong công tác phòng chống dịch. Ông Dũng đơn cử: “Đoàn kiểm tra số 5 đã đi kiểm tra ở một số chợ ở huyện Thanh Trì trong tuần qua, kết quả là với những chợ được thông báo trước thì người bán và người mua đều đeo khẩu trang nghiêm túc, còn đối với những chợ kiểm tra đột xuất không báo trước thì hầu hết người dân ở đây đều không đeo khẩu trang”.

Quyết liệt trong xử lý vi phạm

Trao đổi với phóng viên chiều 19.11, Đại úy Phạm Thành Tâm - cán bộ chiến sỹ thường xuyên ứng trực tại chốt trạm bến xe Mỹ Đình cho biết: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, trong những ngày qua chúng tôi đã phối hợp với các lực lượng khác thường xuyên tuần tra, kiểm tra việc chấp hành quy định đeo khẩu trang của hành khách. Về cơ bản các hành khách có ý thức chấp hành đeo khẩu trang khi ra vào bến xe, song cũng có nhiều người không nắm được quy định nên đã không đeo khẩu trang. Mặc dù quy định mức xử phạt đã cao hơn nhiều lần so với trước đây, mức phạt mang tính răn đe, song những ngày vừa qua qua kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm, chúng tôi chủ yếu mới chỉ nhắc nhở.

	Rất nhiều người tại nơi công cộng không đeo khẩu trang
Rất nhiều người tại nơi công cộng không đeo khẩu trang

Lãnh đạo thị xã Sơn Tây cho biết, trong tuần vừa qua thực hiện Nghị định số 117/NĐ-CP, lực lượng chức năng trên địa bàn thị xã Sơn Tây có tiến hành kiểm tra việc người dân đeo khẩu trang tại một số điểm công cộng, qua kiểm tra cho thấy, tỷ lệ người dân đeo khẩu trang ở những nơi công cộng ít, tại các chợ truyền thống mới chỉ có 25 - 30% người dân chấp hành đeo khẩu trang. Song, do mức phạt theo quy định mới cao, các lực lượng vẫn chưa mạnh tay xử phạt, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân là chính.

Tại buổi giao ban trực tuyến với các quận huyện về công tác phòng chống dịch bệnh ngày 19.11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý yêu cầu: Các quận, huyện cần quyết liệt hơn trong việc tăng cường kiểm tra, xử phạt hành chính nghiêm đối với các trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng để bảo vệ tính mạng cho chính mình và cộng đồng.

Tuy vậy, nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quỹ cho rằng, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp khi số ca mắc và tử vong do Covid-19 vẫn tăng lên. Mặc dù Việt Nam đã qua 78 ngày không ghi nhận thêm ca mắc mới ngoài cộng đồng, song vẫn có nguy cơ lây lan dịch nếu các địa phương không làm tốt công tác phòng chống dịch, nhất là nhiều nơi công cộng chưa thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang. Nguyên nhân của việc này là do ý thức người dân trong việc chủ động phòng chống dịch chưa cao, trong khi đó ngành chức năng lại chưa quyết liệt, kiên quyết trong xử lý vi phạm, vẫn chỉ dừng lại ở tuyên truyền, nhắc nhở. Còn Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho rằng: “nếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền không thì không hiệu quả, vẫn phải xử phạt hành chính để nâng cao ý thức người dân”.

Đúng là, thực tế trong thời gian qua, một trong những nguyên nhân giúp Hà Nội và cả nước khống chế có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đó là các cơ quan chức năng đã phối hợp duy trì nghiêm các quy định của pháp luật; kịp thời xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh. Thiết nghĩ trong tình hình mới, trước nguy cơ dịch bệnh có thể tiếp tục lây lan và bùng phát trở lại, việc tăng cường kiểm tra, xử phạt các trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ là cơ sở để Hà Nội nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống Covid-19; bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân.

Bài và ảnh: Bảo Hân