Nhìn lại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp

Bài 1: Linh hoạt, đồng bộ hoạt động tuyên truyền

- Thứ Hai, 05/07/2021, 05:38 - Chia sẻ

Diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt khi làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao, sự vào cuộc đồng bộ và ủng hộ, đồng thuận lớn của cử tri, Nhân dân, cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thành công tốt đẹp. Việc nhìn lại, tổng hợp những kết quả đạt được; những bài học kinh nghiệm và kiến nghị của các địa phương trong cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng cho những kỳ bầu cử tiếp theo.

Từ kết quả và những hạn chế trong cuộc bầu cử trên địa bàn, Ủy ban Bầu cử tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, hoạt động tuyên truyền cần đi trước một bước; linh hoạt, đồng bộ cả trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan, trong sinh hoạt đến hộ gia đình, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội để phổ biến sâu rộng, tạo ra nhận thức đầy đủ trong Nhân dân. 

Các tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhận Bằng khen của UBND tỉnh
Ảnh: N. ĐỨC

Ý Đảng hợp lòng dân 

Ngày 23.5 vừa qua, cử tri trong tỉnh Quảng Ngãi đã hăng hái tham gia cuộc bầu cử ĐBQH Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021- 2026 với tỷ lệ đi bầu đạt 97,71%. Cử tri đã bầu đủ 7 ĐBQH, 53 đại biểu HĐND tỉnh; bầu được 416 đại biểu HĐND huyện, thị, thành phố và 3.945 đại biểu HĐND xã, phường, thị trấn. Cử tri đã sáng suốt lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, cơ bản phù hợp với dự kiến của các cấp ủy Đảng.

“Kết quả cuộc bầu cử thể hiện được vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc thực thi pháp luật, đồng thời cũng nói lên một thông điệp ý Đảng hợp với lòng dân trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân” - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.

Theo Ủy ban Bầu cử (UBBC) tỉnh Quảng Ngãi, thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn có vai trò quan trọng của công tác hiệp thương được bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, đúng luật. Thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo về cơ cấu, số lượng, thành phần người được giới thiệu ra ứng cử. Công tác hiệp thương được tổ chức hết sức dân chủ và đã chốt danh sách ứng cử viên bảo đảm về phẩm chất chính trị, đạo đức và tiêu chuẩn.

Cùng với đó, công tác bảo vệ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được triển khai thực hiện chặt chẽ, chu đáo và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan từ tỉnh đến cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử. Công tác kiểm tra, đôn đốc, giải quyết các vướng mắc có liên quan đến công tác bầu cử được tăng cường và có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý kịp thời…

Tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn người đại diện

Bên cạnh những kết quả đạt được, UBBC tỉnh Quảng Ngãi cũng thẳn thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Theo Chủ tịch UBBC tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, hoạt động tuyên truyền bầu cử cần đi trước, linh hoạt, đồng bộ cả trên phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực quan, trong sinh hoạt đến hộ gia đình, hội viên, đoàn viên các tổ chức chính trị - xã hội để phổ biến sâu rộng đến cán bộ và Nhân dân nhằm tạo ra nhận thức đầy đủ trong Nhân dân.

Ngoài niêm yết công khai danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt của các ứng cử viên tại các khu vực bỏ phiếu và nơi công cộng, cần cấp phát cho cử tri khi tổ chức hội nghị cử tri để cử tri tìm hiểu, mạn đàm và lựa chọn chính xác những người ứng cử. Các tổ chức Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội cần có kế hoạch tổ chức sinh hoạt hội viên, đoàn viên của tổ chức mình để hiểu rõ hơn về trách nhiệm, nghĩa vụ của cử tri, về người ứng cử, về cơ cấu, thành phần người ứng cử để có cơ sở lựa chọn, bầu chính xác người đại diện.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần chỉ đạo, giải quyết dứt điểm, triệt để các đơn thư khiếu nại, tố cáo trước đây, không để xảy ra tình trạng kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian của các tổ chức phụ trách bầu cử và uy tín của những người ứng cử. Khi tập huấn về nghiệp vụ bầu cử, cần hướng dẫn thật kỹ về nghiệp vụ bầu cử từ khâu bố trí phòng bỏ phiếu, cách lập biên bản, biểu mẫu... đến việc báo cáo cho các thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là các thành viên của Tổ bầu cử.

Từ thực tế tổ chức cuộc bầu cử trên địa bàn, UBBC tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy: Việc kết hợp giữa tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu là vấn đề rất khó, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi dự kiến phân bổ cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu, bên cạnh những yêu cầu chung, cần quan tâm đến tình hình, đặc điểm cụ thể về kinh tế - xã hội và có sự thống nhất trước với địa phương để phân bổ cho hợp lý. Một số tài liệu, biểu mẫu phục vụ cho công tác bầu cử do Trung ương quy định, hướng dẫn cần được sửa đổi, bổ sung đồng bộ, dễ nhận biết để các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thực hiện thống nhất, chính xác và kịp thời.

PHƯƠNG NGUYÊN