Quyết đưa công nghiệp về Tam Dương

- Thứ Năm, 08/01/2015, 08:44 - Chia sẻ
Xác định phát triển công nghiệp là khâu trọng tâm, đột phá để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ năm 2011 đến nay, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc tập trung đẩy mạnh phát triển toàn diện KT - XH, quyết tâm đưa công nghiệp về với vùng đất này.

Những năm 2005 trở về trước, cơ cấu nền kinh tế của huyện Tam Dương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng lớn nhất (47,9%). Từ năm 2010 trở lại đây, cơ cấu nền kinh tế của Tam Dương mới thực sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp - thủy sản. Năm 2014, ngành công nghiệp - xây dựng của Tam Dương đạt tổng giá trị sản xuất hơn 2.700 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tỷ trọng cơ cấu nền kinh tế. Với bước đột phá mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động. Nhờ đó, diện mạo nông thôn của Tam Dương có nhiều đổi thay, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4%.

Lãnh đạo UBND huyện Tam Dương cho biết: hiện trên địa bàn huyện đang triển khai quy hoạch 2 KCN là Tam Dương I, Tam Dương II và cụm phát triển KT-XH Hợp Thịnh. Khu vực 1 của KCN Tam Dương I đã được UBND tỉnh điều chỉnh sang quy hoạch đô thị Đại học Vĩnh Phúc; khu vực 2 và 3 với quy mô hơn 400ha (gồm các xã Hướng Đạo, Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa) đang được triển khai thực hiện. Khu công nghiệp Tam Dương II có quy mô hơn 265ha và hiện tại mới có khu A (diện tích trên 180,1ha) cũng đang được 2 nhà đầu tư là Công ty TNHH VITTO – Vĩnh Phúc và Công ty TNHH công nghiệp Hưng Phúc triển khai. Trong đó, Công ty TNHH VITTO – Vĩnh Phúc triển khai dự án nhà máy sản xuất gạch ốp lát với số vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, công suất đạt 36 triệu sản phẩm/năm. Đến cuối năm 2014, nhà máy sản xuất gạch ốp lát đã giải quyết việc làm cho gần 900 lao động, nộp ngân sách bình quân hơn 300 tỷ đồng/năm. Dự án nhà máy sản xuất gốm sứ vệ sinh do Công ty TNHH công nghiệp Hưng Phúc làm chủ đầu tư với tổng số vốn đầu tư 616 tỷ đồng, công suất đạt 1 triệu sản phẩm/năm, dự kiến giải quyết việc làm cho gần 300 lao động, nộp ngân sách bình quân hàng năm hơn 190 tỷ đồng. Khu vực B thuộc KCN Tam Dương II có quy mô diện tích hơn 85ha (thuộc các xã: Đồng Tĩnh, Hoàng Hoa - Tam Dương và xã Tam Quan, Đại Đình - Tam Đảo) đang được Công ty cổ phần tập đoàn FLC đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật.

Hình thành từ năm 2004 và đến năm 2009, cụm kinh tế Hợp Thịnh được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy mô với diện tích gần 83ha thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương và xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc. Đến nay, đã có 45 doanh nghiệp được chấp thuận vào cụm kinh tế này. Trong đó, có 30 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu nằm dọc trục quốc lộ 2 và quốc lộ 2C nắn chỉnh. Việc đầu tư như hiện nay đối với cụm kinh tế Hợp Thịnh chính là tiền đề để Hợp Thịnh phát triển CN theo hướng công nghiệp sạch, phục vụ cho vùng sản xuất nguyên liệu; khai thác thế mạnh của  các mặt hàng chế biến nông sản...

Để thu hút mạnh mẽ đầu tư phát triển công nghiệp vào địa bàn, nhiệm vụ đầu tiên được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tam Dương xác định đó là quan tâm chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong các KCN và hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các KCN. Được xem là tiền đề cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH, Tam Dương đã và đang xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường giao thông. Cùng với đó là tạo ra những cơ chế đầu tư thông thoáng để hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Hiện trên địa bàn huyện Tam Dương có hệ thống các đường quốc lộ, đường tỉnh lộ (quốc lộ 2, 2B, 2C và tỉnh lộ 310, 305, 316, 306) đang được cải tạo, nâng cấp, đặc biệt trục giao thông đối ngoại cao tốc Hà Nội - Lào Cai có 2 nút giao thông đấu nối với quốc lộ 2B và  2C tại địa bàn huyện là nút Kim Long và Đạo Tú, tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho giao lưu kinh tế từ địa bàn Tam Dương đi các địa phương trong nước và quốc tế bằng đường bộ. Hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội được xây dựng và hoàn thành nhằm tạo cơ hội thuận lợi nhất để thu hút các nguồn lực đầu đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.

Bằng nhiều hoạt động thu hút đầu tư và với quyết tâm trở thành huyện có nền công nghiệp phát triển, trong tương lai gần, Tam Dương có thể thu hút các nhà đầu tư trong các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp điện tử, cơ khí chế tạo; sản xuất vật liệu xây dựng; chế biến nông sản thực phẩm; chế tạo các sản phẩm linh kiện phụ trợ cho ngành dệt may, da giày...

Hoàng Nga