50% doanh nghiệp thiếu hụt vốn vì Covid-19

- Thứ Bảy, 08/05/2021, 05:52 - Chia sẻ
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến gần 50% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn hoặc dòng tiền kinh doanh trong khi nguồn vốn truyền thống từ ngân hàng còn hạn chế. Tại hội thảo “Giải pháp huy động nguồn vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh mới” ngày 7.5, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm có hành lang pháp lý cho các hình thức huy động vốn mới dựa trên nền tảng công nghệ số để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Cơ cấu vốn bất hợp lý

Theo giới chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới, tạo cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, dịch Covid-19 cũng tạo ra làn sóng dịch chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng và Việt Nam là một trong những điểm đến. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần chuẩn bị nguồn vốn để đón đầu cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Tuy vậy, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường đầu ra, gián đoạn chuỗi cung ứng và gần 50% doanh nghiệp thiếu hụt nguồn vốn hoặc dòng tiền kinh doanh. Trong khi đó, cơ cấu vốn của doanh nghiệp còn bất hợp lý. Nguồn vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 30%, còn lại là vay tín dụng từ ngân hàng. Việc phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng khiến doanh nghiệp dễ gặp rủi ro.

Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Các Nhà kinh tế (VEC) Đặng Đức Thành, thị trường tín dụng đang bị “quá tải” do phải lo cung ứng vốn ngắn hạn, trung và dài hạn. Để bảo đảm nguồn vốn, các ngân hàng phải đi vay ngắn hạn từ dân cư để cho vay trung và dài hạn. Điều này có thể dẫn đến rủi ro rất lớn cho cả ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, rủi ro ở phía doanh nghiệp là phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn lớn dẫn tới hiệu quả sinh lời thấp.

Cố vấn cấp cao PwC Việt Nam Lê Anh Tú cho rằng, sau dịch Covid-19, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng sẽ bị suy giảm giá trị tài sản, do đó giảm khả năng đáp ứng điều kiện cho vay vốn ngân hàng. Vì vậy khu vực kinh tế này sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn truyền thống theo kênh ngân hàng.

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Tuệ Anh)

Tạo hành lang pháp lý cho hình thức huy động vốn mới

Theo chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Cấn Văn Lực, trong khoảng 5 năm qua, trên thế giới đã xuất hiện nhiều hình thức huy động vốn mới như Fintech, proptech, huy động vốn cộng đồng… Tuy nhiên, tại Việt Nam hành lang pháp lý cho các hình thức huy động vốn mới dựa trên nền tảng công nghệ số chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện. “Cần sớm thúc đẩy hành lang pháp lý này để tạo thêm kênh huy động vốn cho người dân và doanh nghiệp”, ông Lực nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, cố vấn cấp cao PwC Việt Nam Lê Anh Tú nhận định, do ảnh hưởng của Covid-19, các doanh nghiệp có xu hướng tiếp cận các kênh huy động vốn phi ngân hàng như thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và các kênh phi truyền thống khác như gọi vốn cộng đồng, gọi vốn thông qua tiền mã hóa… Vì vậy, ngành dịch vụ tài chính nên nhanh chóng thay đổi theo hướng dựa trên nền tảng công nghệ, lấy khách hàng làm trung tâm và sản phẩm có tính cá nhân hóa cao; đơn giản hóa mọi quy trình thông qua tiền tệ số hóa, phát triển nền kinh tế không dùng tiền mặt.

Giám đốc huấn luyện và hỗ trợ kinh doanh, Công ty CP Chứng khoán HSC Nguyễn Hoàng Phương gợi ý, doanh nghiệp có thể niêm yết trên UPCOM. Huy động tài chính từ thị trường giao dịch chứng khoán được coi là hiệu quả với những doanh nghiệp có vốn dưới 30 tỷ đồng. Ngoài ra, có thể tìm kiếm nguồn vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư mạo hiểm…

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Tập đoàn HAPACO cho hay, trước đây chỉ huy động vốn qua ngân hàng. Từ khi thị trường chứng khoán mở ra, doanh nghiệp đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư. “Thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn rất hiệu quả” đại diện Tập đoàn HAPACO cho hay.

Thừa nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc nhưng TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ lệ huy động vốn qua kênh này còn thấp. Hơn nữa, sự kém đa dạng hóa của hàng hóa gây tình trạng nghẽn lệnh tạo ra những thách thức. Nhiều nhà đầu tư chưa hiểu biết về thị trường, chủ yếu đi theo đám đông có khả năng tạo “bong bóng” cho thị trường.

Dù sử dụng hình thức huy động vốn nào, ông Lực cũng cho rằng, doanh nghiệp cần minh bạch hoạt động và báo cáo tài chính; có thiện chí hợp tác, phối hợp trong cung cấp thông tin; cơ cấu lại nợ và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, đa dạng hóa nguồn vốn, ứng dụng công nghệ thông tin tính toán cấu trúc vốn tối ưu; chủ động tăng hiểu biết về tài chính tín dụng, bảo lãnh và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

An Thiện