Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

5 dấu ấn của ngành Nội vụ

- Thứ Năm, 11/02/2021, 10:24 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Chính phủ gần chạm về đích, đóng góp vào thành công của Chính phủ nhiệm kỳ này có vai trò không nhỏ của ngành Nội vụ. Chia sẻ về chặng đường gần 5 năm qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, ngành Nội vụ đã để lại được 5 "dấu ấn" quan trọng, trong đó việc tổ chức sắp xếp bộ máy của các cơ quan hành chính hiệu quả, bài bản hơn.

Sắp xếp giảm được 8 huyện, 557 xã

Dấu ấn thứ nhất mà ngành Nội vụ làm được trong nhiệm kỳ này đó là công tác xây dựng thể chế. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng. Thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng, ngành Nội vụ tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 4 Luật quan trọng đó là: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật cán bộ công chức, viên chức và Luật Thanh niên (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Bộ đã chuẩn bị để Chính phủ trình Quốc hội về sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng vào thời gian tới và hoàn thiện các thủ tục để trình Chính phủ dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Như vậy, nhiệm kỳ này, Bộ Nội vụ đã được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo 4 dự thảo Luật và đã được Quốc hội thông qua, hiện còn 2 dự án Luật vẫn đang tiếp tục hoàn thiện trình Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội trong thời gian tới.

Ngoài ra, Bộ cũng đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành 27 nghị quyết và trình Chính phủ ban hành 40 nghị định. Riêng trong nhiệm kỳ này, Bộ Nội vụ đã ban hành tới 60 thông tư.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Đây là những quy định pháp luật quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Số: 18-NQ/TW, Nghị quyết Số:19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương lần thứ Sáu, Khóa XII và Nghị quyết số: 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Có thể nói, đây là khối lượng công việc rất lớn trong xây dựng thể chế thời gian qua. Với quyết tâm cao làm việc không quản ngày đêm, Bộ đã hoàn thành đúng theo tiến độ mà Chính phủ giao.

Hai là, tổ chức sắp xếp bộ máy của các cơ quan hành chính. Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là vấn đề được quan tâm trong nhiều nhiệm kỳ qua. Khác với các lần trước đây, sắp xếp lần này có hiệu quả hơn, bài bản hơn. Nghị quyết của Đảng phải thể chế bằng hệ thống pháp luật, trên cơ sở đó đặt ra các tiêu chí và điều kiện để sắp xếp, xây dựng được vị trí việc làm, do đó, việc sắp xếp hiệu quả. Ở Trung ương đã giảm được 12 vụ, 2 tổng cục, ở địa phương giảm được 5 sở, hàng nghìn phòng, cấp quận giảm gần 4 nghìn phòng, sắp xếp giảm gần 4 chục nghìn tổ dân phố. Như vậy, trong 2 năm thực hiện nghị quyết của Trung ương và của Quốc hội bước đầu việc sắp xếp đã đạt được kết quả quan trọng.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, ở Trung ương và địa phương giảm được hàng nghìn đơn vị, giảm chi ngân sách nhà nước rất lớn. Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính ở cấp huyện và cấp xã theo Nghị quyết số: 653/2019/UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, chưa đầy 1 năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xếp ở 45 tỉnh, giảm được 8 huyện và 557 xã.

Có thể nói, đây là một khối lượng công việc rất khổng lồ, để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ này trong sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn được thực hiện nhanh gọn, đến nay đã đi vào ổn định.

Ba là, công tác cải cách hành chính. Công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 chúng ta thực hiện khá toàn diện trên 6 lĩnh vực về: thể chế; thủ tục hành chính; tổ chức bộ máy; nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức; tài chính công; chính phủ điện tử… Nhưng quan trọng nhất là xây dựng thể chế; nâng cao trình độ cán bộ, công chức, viên chức và Chính phủ điện tử. Riêng chính phủ điện tử thời vừa qua chúng ta thực hiện khá nhanh. Cho đến thời điểm này, việc xử lý văn bản của công chức từ cấp xã trở lên gần như áp dụng văn bản trên máy tính và thực hiện chữ ký số. Đây là bước tiến quan trọng trong cải cách hành chính thời gian vừa qua.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn công dân thực hiện các quy trình đăng ký giải quyết thủ tục hành chính

Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đây là thời kỳ chúng ta có nhiều lĩnh vực được phân cấp nhất. Nếu như trước đây, Nghị quyết số: 21/NQ-CP về phân cấp quản lý nhà nước giữa Chính phủ và Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân cấp ở 5 lĩnh vực, thì lần này, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số: 99/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh phân cấp giữa Chính phủ với các bộ, ngành, và phân cấp giữa Chính phủ, các bộ ngành với các địa phương và giữa địa phương cấp trên phân cấp cho cấp dưới, tập trung 10 lĩnh vực. Luật quản lý chuyên ngành khi sửa đổi, bổ sung cũng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương.

Năm là, tổ chức thực hiện kiểm tra giám sát. Thời gian qua, Thủ tướng thành lập tổ công tác của Thủ tướng để kiểm tra công tác xây dựng thể chế, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Tổ trưởng Tổ công tác về công vụ. Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh đều thành lập tổ công tác, qua kiểm tra, giám sát góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Phải thực hiện cho được chính sách cải cách tiền lương

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được thời gian qua, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, nhiệm kỳ tới, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiếp tục việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Chính sách cải cách tiền lương rất quan trọng. Nếu không thực hiện được cải cách tiền lương sẽ không tạo được động lực cho công chức làm việc. Cứ lương bình quân và thực hiện khoán kinh phí thì khó lòng thực hiện được tinh giản biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân 

Cùng với đó, tiếp tục triển khai cho bằng được các nghị quyết và kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra, triển khai cụ thể hơn và tổng kết các chiến lược tổng thể cải cách hành chính. Trong 6 nội dung của cải cách đã nêu rất rõ, trong đó có cải cách tổ chức bộ máy hành chính trong thời gian tới. Do đó, nhiệm vụ thời gian tới là phải thực hiện cho được chính sách cải cách tiền lương. Trong tình hình kinh tế khó khăn do dịch Covid -19, tháng 1.2021 chưa thực hiện cải cách tiền lương, Trung ương cũng đã quyết định thực hiện vào tháng 7.2022. Mong rằng, chúng ta thực hiện sớm hơn để thực hiện được mục tiêu cải cách đã đề ra.

Bên cạnh đó, việc tổ chức, sắp xếp bộ máy cần phải làm quyết liệt hơn. Việc nào cơ quan nhà nước không cần giữ thì giao cho xã hội làm để giảm bớt bộ máy. Đối với các cơ quan Trung ương chỉ tập trung chiến lược phát triển ngành, xây dựng thể chế, tổ chức triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát. Các cơ quan Trung ương chỉ tập trung vào 4 nhiệm vụ này, không nên làm những việc mà những đơn vị sự nghiệp công lập, những công việc mà các thành phần kinh tế khác làm được. Cùng với đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương. Nghị quyết 99 của Chính phủ có rồi, bây giờ phải "thổi hồn" Nghị quyết này vào các văn bản quy phạm pháp luật khác, giao trách nhiệm cho người đứng đầu của địa phương phải chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện thì sẽ nhanh hơn, hiệu quả hơn và đáp ứng được yêu cầu tình hình thực tế của từng địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: nếu không thực hiện được cải cách tiền lương sẽ không tạo được động lực cho công chức làm việc

Cuối cùng, để đẩy mạnh xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thì Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số: 16/2015/NĐ để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện tự chủ. Có như vậy, mới giảm nhanh được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước và đảm bảo được điều kiện để thực hiện chính sách tiền lương mới vào năm nay.

Hà An