3 phương pháp định giá tài sản trí tuệ

- Thứ Bảy, 18/01/2014, 08:50 - Chia sẻ
Trong Dự thảo Thông tư liên tịch Hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ (TSTT) sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ KH - CN và Bộ Tài chính soạn thảo, có ba phương pháp định giá TSTT bao gồm: phương pháp chi phí, phương pháp thị trường và phương pháp thu nhập.

Đây là ba phương pháp đã được hầu hết các tổ chức định giá thế giới công nhận và cũng phù hợp với tình hình thị trường KHCN ở nước ta. Mỗi phương pháp đều bao gồm định nghĩa, trường hợp áp dụng, điều kiện áp dụng và cách thức áp dụng phương pháp. Từng yếu tố trong mỗi công thức cũng được giải thích rõ ràng để tạo sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân áp dụng.

Bên cạnh đó, TSTT được phân ra gồm các loại sau: sáng chế, bí quyết kỹ thuật, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, sáng kiến, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại; giống cây trồng; phần mềm, chương trình máy tính; công nghệ. Việc phân loại như vậy phần lớn dựa trên các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nêu tại Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ nhưng hướng trọng tâm tới các đối tượng có yếu tố công nghệ mà không bao gồm các đối tượng khác như các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bí mật kinh doanh hay chỉ dẫn địa lý. Điều này cho thấy, dự thảo thông tư đã tập trung, thống nhất tháo gỡ nút thắt về định giá các đối tượng TSTT có khả năng thương mại hóa cao trên thị trường.

Việc đưa ra căn cứ định giá TSTT cũng là điểm mới của văn bản này. Thực tế cho thấy, hầu hết các căn cứ định giá TSTT nói chung được dựa trên các căn cứ định giá hàng hóa, dịch vụ quy định tại Khoản 1, Điều 21 của Luật Giá. Tuy nhiên, văn bản này đã thể hiện rõ hơn ý nghĩa của từng căn cứ bảo đảm sự phù hợp với đặc trưng của TSTT. Theo đó, đặc tính kinh tế của tài sản này là gì hay quan hệ cung cầu được hiểu ra sao khi thực hiện việc định giá cũng được nêu rõ trong Điều 8 của Thông tư.

Ngoài các căn cứ được nêu ở Luật Giá, thông tư cũng tham khảo căn cứ định giá TSTT mà các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ trong nước và nước ngoài thường sử dụng. Theo các tổ chức đó, chỉ có chuyên gia đầu ngành của một lĩnh vực mới có thể đánh giá một cách sâu sắc nhất giá trị của TSTT thuộc lĩnh vực đó. Ngoài ra, trong giao dịch TSTT, tính chất và phạm vi của việc chuyển nhượng, chuyển giao cũng là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng tới giá thành của tài sản đó. Đây là vấn đề cũng được nhắc tới và làm rõ trong văn bản này.

Thanh Trúc