2 yếu tố quan trọng nhất để xử lý khủng hoảng Covid-19 là “Lòng dân” và “Sự sẵn sàng của y tế”

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 15:58 - Chia sẻ
Ngày 1.8, ông Douglas Foo - Ủy viên Bộ Y tế và Chủ tịch Bệnh viện Khoo Teck Puat, bệnh viên công lớn nhất Singapore, đã gửi tài liệu chia sẻ những kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của Singapore trong thời gian qua cho Đà Nẵng. Theo đó, 2 yếu tố quan trọng nhất để xử lý khủng hoảng Covid-19 mà Singapore đúc rút là “Lòng dân” và “Sự sẵn sàng của y tế”

Lòng dân

Ông Douglas  Foo cho biết: “Tôi rất mong muốn được chia sẻ trực tiếp với TP Đà Nẵng những kinh nghiệm của Singapore qua một cuộc họp trực tuyến, trong đó chúng ta sẽ cùng trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn và tôi muốn đồng hành cùng với Đà nẵng trong việc đối phó với Covid 19”, ông Douglas Foo cho biết.

Đà Nẵng kêu gọi toàn dân đồng lòng, chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Ngày 1.8, Liên doanh Công ty Sakae Holdings (Singapore) và Công ty TNHH Đầu tư SSF có văn bản gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng về hỗ trợ trang thiết bị y tế phòng chống Covid-19. Kèm theo đó là tài liệu chia sẻ của ông Douglas Foo, Ủy viên Bộ Y Tế, Chủ tịch Bệnh viện Khoo Teck Puat - bệnh viện công lớn nhất Singapore - về những kinh nghiệm chống dịch Covid-19 của Singapore trong thời gian vừa qua.

Doanh nghiệp Singapore tặng Đà Nẵng 7 máy Kiểm soát đo thân nhiệt từ xa; 5 máy Monitor màu theo dõi bệnh nhân NIHON KOHDEN Model PVM – 2701; 20 máy bơm tiêm điện (Terufusion Syringe Pump Type SS) Hãng Terumo Japan; 10 máy chuyền dịch Model HP 60 và 10 tấn gạo hỗ trợ cho nhân dân trong khu vực cách ly.

Theo chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, 2 yếu tố quan trọng nhất để xử lý khủng hoảng Covid-19 là “Lòng dân” và  “Sự sẵn sàng của y tế”. Trong yếu tố “Lòng dân, đầu tiên không được để người dân hoảng loạn. Chính phủ Singapore hành động sớm và luôn cập nhật thông tin để người dân an tâm. Tiếp đó là những yếu tố tiên quyết khác gồm: Cách ly, truy vết tiếp xúc (Việt Nam đã làm rất tốt việc này). Quy định ngặt nghèo về giãn cách xã hội, kể cả khi đã kết thúc thời gian giãn cách quy định. Hướng dẫn người dân giữ vệ sinh cá nhân. Hướng dẫn người dân thực hiện các quy tắc giao tiếp xã hội an toàn. Tung ra các gói cứu trợ tài chính cho người dân và doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, chính phủ phải quyết định cách thức công bố thông tin. Singapore đã chọn cách làm phẳng đường cong báo ca lây nhiễm. Mặc dù đã cách ly toàn bộ công nhân, nhưng không xét nghiệm tập trung trong một ngày, không công bố kết quả dồn vào một ngày, mà trải đều ra, để người dân không bị sốc, trong khi đó chính phủ vẫn kịp triển khai các biện pháp an toàn”, tài liệu chia sẻ.

Để xử lý khủng hoảng, Singapore chú trọng xây dựng “Cấu trúc ứng phó khủng hoảng”. Vào ngày 22.1.2020, Singapore đã thành lập Lực lượng đặc nhiệm đa Bộ ngành (MTF) 1 để quản lý đại dịch Covid-19. Lực lượng này đã kịp thời ứng phó với ca dương tính đầu tiên của Singapore, là một du khách từ Vũ Hán. Cấu trúc ứng phó khủng hoảng Khả năng quản lý khủng hoảng của Singapore là kết quả của việc học hỏi liên tục từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ. 

Chiến lược của MTF là giảm số lượng vụ ca nhiễm càng nhiều càng tốt. Điều này có nghĩa là truy vết tiếp xúc là chìa khóa để giảm nguy cơ lây truyền trong cộng đồng. Bộ Y tế đã làm việc suốt ngày đêm để theo dõi và cách ly những người có tiếp xúc với các trường hợp được xác nhận. Khi các hoạt động truy vết và kiểm dịch tiếp xúc mở rộng hơn, Lực lượng Cảnh sát Singapore (SPF) và Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) đã tham gia cùng với Bộ Y tế (MOH) trong cuộc chiến này. Bộ Phát triển Quốc gia (MND) cũng được đưa vào để chăm sóc cho những người bị cách ly. 

Ngay từ đầu, cơ quan MTF đã minh bạch. Cơ quan này đã tổ chức các cuộc họp với truyền thông hàng ngày và kiên trì báo cáo trung thực về các trường hợp Covid-19 ngay cả khi những con số này tăng lên. Sự minh bạch như vậy xây dựng niềm tin với công dân, và niềm tin trải qua những nỗ lực quản lý khủng hoảng. 

Singapore ứng phó với đại dịch bằng trái tim, mà bằng chứng là bất chấp rủi ro của các ca nhiễm nhập cảnh, MTF đã quyết định đưa người Singapore từ nước ngoài hồi hương an toàn. Khi các TP của Trung Quốc bắt đầu phong tỏa, Bộ Ngoại giao (MFA) đã sơ tán người Singapore mắc kẹt tại Trung Quốc. Khi người Singapore ở nước ngoài có nguy cơ bị mắc kẹt khi châu Âu, Hoa Kỳ và các nước trên thế giới đóng cửa biên giới, MFA đã làm việc với chính quyền địa phương để đưa người Singapore về nước. Những người trở về sau đó đã được cách ly để bảo vệ những người thân của họ và giảm thiểu nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

MTF đã đảm bảo người Singapore có khẩu trang có thể tái sử dụng, khi sự lây lan trong cộng đồng tăng lên và WHO bắt đầu khuyến cáo việc đeo khẩu trang rộng rãi. Đến tháng 4, số ca nhiễm cộng đồng tăng lên 54; tổng số ca nhiễm chạm mốc 1.000; 4 người đã tử vong, Thủ tướng Lý đã công bố một biện pháp ngắt mạch để thắt chặt các biện pháp ngăn chặn, đưa ra bằng chứng về việc lây nhiễm không có triệu chứng. 

Để đảm bảo rằng người Singapore có sự bảo vệ cần thiết, MTF ngay lập tức chuyển sang cung cấp cho mỗi người dân Singapore một khẩu trang có thể tái sử dụng.

Các nhân viên của Sở Công vụ đã đảm nhận vai trò các đại sứ nhắc nhở người dân Singapore có trách nhiệm với xã hội nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Sự chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở y tế 

Singapore chuẩn bị cơ sở y tế rất sớm để đối phó dịch bệnh. Từ khi số lượng người mắc bệnh còn rất ít, chính phủ đã ra lệnh các bệnh viện không được tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài. Các bệnh viện cũng chuyển bệnh nhân nhẹ về hoặc xuống các cơ sở cấp dưới khi bệnh không cấp thiết, để trống giường bệnh đề phòng có bệnh nhân Covid. Rất nhiều cơ sở y tế cộng đồng được xây dựng nhanh để chuyển các bệnh nhân Covid nhẹ đến chăm sóc. 

Triển lãm hay các công trình phúc lợi khác đã được chuyển thành cơ sở y tế công cộng. Cơ sở y tế công cộng mới cũng được dựng dọc các bãi biển. Máy móc và thuốc cũng được chuẩn bị sẵn sàng trước. Lực lượng đặc nhiệm đa bộ ngành có một chiến lược y tế toàn diện để đảm bảo rằng những người bị nhiễm Covid-19 được điều trị y tế nhanh chóng và chất lượng. 

Để chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở y tế , đầu tiên Singapore đã lên kế hoạch y tế. Cụ thể, dữ liệu lâm sàng và khoa học từ việc quản lý bệnh nhân Covid-19, cũng như bằng chứng dịch tễ học hiện tại về nhiễm trùng, đã cung cấp các cơ sở cho một kế hoạch y tế toàn diện. Kế hoạch hướng dẫn việc đưa bệnh nhân vào các cơ sở phù hợp để chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển bệnh nhân giữa các cơ sở này theo nhu cầu của họ và xuất viện cho bệnh nhân khỏe và không còn lây nhiễm.  

Bên cạnh đó, Singapore chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở y tế, tăng cường lực lượng lao động y tế và huy động nỗ lực của toàn xã hội…

Quang Hải