Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Bình

19 năm đồng hành cùng người dân xóa nghèo

- Thứ Ba, 05/10/2021, 10:35 - Chia sẻ
Trở lại Quảng Bình khi dịch Covid-19 ở dải đất hẹp miền Trung đã được kiểm soát; niềm vui nhân đôi khi địa phương này đã hoàn thành trước thời hạn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn địa bàn xuống 3,5% (tháng 9.2021).
Điểm giao dịch xã luôn sẵn sàng phục vụ
Ảnh:  Trần Anh

Ông Trần Văn Tài, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Quảng Bình cho biết, năm 2002, từ chỗ nhận bàn giao nguồn vốn 200 tỷ đồng, đến 30.9.2021, tổng nguồn vốn của NHCSXH Quảng Bình đã tăng lên 3.672 tỷ đồng, gấp 18 lần so với ngày đầu thành lập. Kết quả đó khẳng định nỗ lực của NHCSXH trong việc tìm kiếm, huy động đủ nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống của hơn 20 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Hiện nay, nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh Quảng Bình và 8 huyện, thị xã, thành phố đã ủy thác sang NHCSXH 100,6 tỷ đồng, đạt 165% kế hoạch tăng trưởng. NHCSXH cùng các tổ chức chính trị xã hội ký kết lại hợp đồng ủy thác cho vay vốn chính sách đã gắn kết chặt chẽ 4 nhà là: “ngân hàng, chính quyền, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn”. Có 523 các cấp Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… đang tham gia quản lý 3.624 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng dư nợ tín dụng chính sách.

Nguồn vốn này được đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách, 1724 Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng với 151 Điểm giao dịch xã tại Quảng Bình phủ kín toàn địa bàn từ rẻo cao Minh Hóa, Tuyên Hóa đến vùng ven biển Quảng Trạch, Quảng Ninh. Giúp những cán bộ tín dụng chính sách thực hiện tốt phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”.

Chị Nguyễn Thị Hoan đang cạo mủ cây cao su để mang đi bán.
Ảnh: Trần Anh

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoan (bản Khe Trang, xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh) nhờ vốn vay chính sách, chị nuôi bò, chăm sóc vườn cây cao su. Mỗi năm gia đình chị thu lãi hơn 100 triệu đồng. Còn anh Đinh Pin, dân tộc A Rem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch) sử dụng vốn vay ưu đãi để trồng 1 hecta thông lấy nhựa, nuôi 7 con bò, 25 con dê. Nhờ thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, anh đã xây được căn nhà kiên cố. Gia đình ông Cao Tiến Sơn (bản Lương Năng, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa) dùng cải tạo đất đồi thành vườn cây trồng cam, bưởi, chanh leo. Nhờ sản xuất phát triển, kinh tế đi lên, ông đã làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo.

Anh Hồ Minh chia sẻ cách nuôi dê với ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh.
Ảnh Trần Anh

Có thể khẳng định rằng, 19 năm qua NHCSXH đã đồng hành trong việc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở Quảng Bình. Nguồn vốn chính sách này đã giúp người dân thoát nghèo, có đời sống ổn định trên chính mảnh đất của mình và tiếp sức nhiều công ty, nhà máy vay vốn chính sách để trả lương ngừng việc, trả lương khôi phục sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19 theo Nghị quyết mới ban hành của Chính phủ.

Dư Minh Uyên