16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi cứu doanh nghiệp

- Thứ Ba, 13/07/2021, 06:24 - Chia sẻ
16 ngân hàng thuộc hội viên của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) là Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank đã đồng thuận giảm lãi suất sớm trong tháng 7 này để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh Covid-19 kéo dài.

Theo lãnh đạo của nhiều ngân hàng, tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp, tập trung vào các doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7.2021 cho đến hết năm 2021.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA, Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (NQ 63). Trên tinh thần đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp trực tuyến bàn các giải pháp triển khai NQ 63, trong đó đặc biệt lưu ý giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch có thể sẽ được giảm lãi suất ngay từ tháng 7 này

Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết: Từ mùa dịch đầu tiên năm 2020 đến nay, Techcombank liên tục giảm lãi suất, trong đó nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay vào khoảng 6 - 7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn… Techcombank đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng.

Tuy nhiên, ông Phạm Quang Thắng cũng lưu ý: Trong hỗ trợ không nên cào bằng mà tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn… “Đối với các doanh nghiệp bất động sản đang lãi lớn, các doanh nghiệp xuất khẩu hay các cá nhân vay tiền mua xe ô tô… không nên hỗ trợ. Điều quan trọng nhất tại thời điểm này là làm sao duy trì được nguồn tín dụng, đặc biệt là các khách hàng đã được tái cơ cấu. Để giữ được doanh nghiệp, quan trọng nhất là ‘mạch máu lưu thông’, chứ không phải là ‘tăng cân hay giảm cân’. Việc xem xét cho vay mới với những  khách hàng cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ cần có cái nhìn cởi mở hơn”, ông Phạm Quang Thắng chia sẻ.

Theo bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc MB, những đối tượng khách hàng của MB cần lãi suất thấp đã được hưởng từ lâu. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng liên tục giải ngân vốn cho các đối tượng này. Tuy nhiên, với sự đồng thuận của các ngân hàng, hội viên VNBA, MB sẽ hưởng ứng hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví dụ doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương). “Trong 6 tháng đầu năm nền kinh tế tăng trưởng tốt, rất nhiều doanh nghiệp làm ăn tốt. Vì vậy, tùy từng tệp khách hàng của mình mà ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp gặp khó khăn để từ đó có chính sách hỗ trợ lãi suất phù hợp”, bà Phạm Thị Trung Hà cho biết.

Còn ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank cho biết: Ngay sau cuộc họp với NHNN về triển khai NQ63, Agribank đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, Hội đồng thành viên (HĐTV) của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2 - 2,5%. Tính chung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung dài hạn chỉ 8%/năm. “Đầu năm, Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm”, Ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.

Trước sự đồng thuận của nhiều ngân hàng, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đánh giá cao sự đồng thuận của các ngân hàng trong giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19 nhưng nên linh hoạt trong việc giảm lãi suất, tùy theo “sức khỏe” để có mức giảm phù hợp.

Theo TTXVN