10 sự kiện KHCN Việt Nam năm 2009

- Thứ Sáu, 01/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
Năm 2009, khoa học và công nghệ (KH-CN) Việt Nam đã gặt hái nhiều thành công. 10 sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2009 được Câu lạc bộ Nhà báo KH-CN bình chọn ngày 30.12.2009 đã đánh dấu những mốc quan trọng của lĩnh vực này.

1  Kết luận của Bộ Chính trị về “Báo cáo kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (Khóa VIII) về khoa học công nghệ và nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học và công nghệ từ nay đến 2020” vào ngày 1/4/2009.

Bộ Chính trị cơ bản tán thành các nội dung trình bày trong báo cáo, đồng thời nhấn mạnh những thành tựu khoa học công nghệ sau 12 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 2 (Khóa VIII). Lĩnh vực KHCN đã góp phần tạo ra những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Mục tiêu của ngành KHCN đến năm 2020: Xây dựng được một nền KHCN có trình độ trung bình tiên tiến trong khu vực; có khả năng tự chủ những công nghệ tiên tiến then chốt trong các lĩnh vực chính của nền kinh tế; trở thành động lực trực tiếp đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

2  Thông qua chủ trương xây hai nhà máy điện hạt nhân

Ngày 25.11, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận. Quyết định chủ trương đầu tư dự án gồm hai nhà máy. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công vào năm 2014 để đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn cho ngành KHCN trong việc xây dựng đội ngũ các nhà khoa học làm việc trong nhà máy điện hạt nhân.

3  Phát hiện sắc chỉ quý liên quan đến Hoàng Sa

Ngày 31.3, thông qua việc sưu tầm nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi đã phát hiện tại gia đình ông Đặng Lên ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn đang cất giữ một sắc chỉ quý (bản gốc) của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến đội Hoàng Sa mà tộc họ Đặng đã gìn giữ hơn 170 năm qua. Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (Ất Mùi - 1835).

4  Việt Nam đã sản xuất thành công vắc – xin (H1N1) trong phòng thí nghiệm

Sau hơn 5 tháng làm việc, nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã cho ra đời mẻ vắc – xin cúm A (H1N1) đầu tiên. Những thử nghiệm lâm sàng trên động vật cho thấy, đây là loại vắc – xin có tính hiệu quả và độ an toàn cao. Đây là loại vắc – xin  được sản xuất bằng kỹ thuật nuôi cấy trên tế bào. Công nghệ này có ưu thế vượt trội so với quy trình cổ điển sản xuất vắc – xin cúm trên trứng gà có phôi, nhà sản xuất có thể sản xuất một lượng vắc – xin lớn nhanh chóng mà không phụ thuộc vào nguồn trứng gà sạch. Hiện lô vắc – xin đầu tiên đang được nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh tiến hành các thử nghiệm đánh giá tiền lâm sàng.

5  Công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của Việt Nam

Các kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cho Việt Nam trong thế kỷ XXI đã được xây dựng dựa theo các kịch bản phát thải khí nhà kính cao và trung bình. Theo kịch bản nói trên, vào cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ ở nước ta có thể tăng 2,30C so với trung bình thời kỳ 1980 -1999. Vào giữa thế kỷ XXI mực nước biển dâng thêm 30 cm và đến cuối thế kỷ XXI mực nước biển dâng thêm 74cm so với thời kỳ 1980 – 1999.

Kịch bản BĐKH và nước biển dâng được công bố là cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó thích hợp.

6  Lần đầu tiên Việt Nam cung cấp dịch vụ 3G

Sự kiện VinaPhone chính thức cung cấp các dịch vụ 3G, đã đánh dấu sự mặt của mạng di động thế hệ thứ 3 này tại Việt Nam. Đây là phát súng đầu tiên mở màn cho việc ứng dụng công nghệ 3G vốn được cho là khơi dậy nhiều tiện ích giải trí, ứng dụng cho điện thoại di động và phát triển mạng băng thông rộng không dây. Sau VinaPhone thì MobiFone, Viettel và liên doanh Hanoi Telecom – EVN Telecom cũng sẽ sớm cung cấp dịch vụ này.

7  Robot Việt gây tiếng vang lớn ở thị trường quốc tế

Năm 2009, một lần nữa, TOPIO, robot đánh bóng bàn mang hình dáng người đầu tiên và duy nhất trên thế giới do Công ty  Cổ phần TOSY của Việt Nam nghiên cứu và chế tạo tiếp tục gây được sự chú ý  khi tham dự các triển lãm quốc tế về robot. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có robot dáng người tham dự cuộc triển lãm robot có quy mô lớn nhất thế giới và gây được sự chú ý của cộng đồng thế giới.

8  Việt Nam có trạm thu ảnh vệ tinh ENVISAT đầu tiên châu Á

 Trạm thu ảnh vệ tinh Việt Nam chính thức hoạt động vào 9.7. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có trạm thu ảnh vệ tinh ENVISAT. Trạm thu ảnh vệ tinh là hạng mục quan trọng nhất của dự án Xây dựng Hệ thống giám sát Tài nguyên và Môi trường tại Việt Nam (ENRMS). Trạm thu ảnh vệ tinh là trạm thu thứ 5 trong khối ASEAN. Hiện nay, ảnh vệ tinh ENVISAT chỉ thu được ở châu Âu.

9  Techmart Việt Nam ASEAN +3

Đây là một hội chợ lớn nhất bởi sự có mặt của các nước trong khối ASEAN và 3 nước đối thoại là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Số đơn vị tham gia lên tới 651 với 778 gian hàng, chào bán gần 3.000 công nghệ, thiết bị, giải pháp phần mềm và dịch vụ. Về phía nước ngoài, có 49 gian hàng của 51 đơn vị. Số lượng khách đến tham quan, tìm hiểu các công nghệ mới lên tới hơn 200.000 lượt người, chứng tỏ KHCN luôn có một lực lượng đông đảo quần chúng quan tâm.

10  Nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu được bình chọn là sự kiện khoa học nổi bật thế giới năm 2009.

Công trình nghiên cứu “Bổ đề cơ bản đối với các nhóm unita” của GS Ngô Bảo Châu và GS Gerard Laumon vừa được tạo chí nổi tiếng thế giới Times bình chọn là một trong mười sự kiện kiệt xuất thế giới năm 2009. Nhờ công trình này, hai tác giả đã được nhận giải thưởng danh giá của Viện Toán học Clay dành cho những thành tựu kiệt xuất nhất. GS Ngô Bảo Châu hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton (Hoa Kỳ), đồng thời là GS của Viện Toán học (Viện KH-CN Việt Nam).