Ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.2004 - 13.10.2021

“Non cao cũng có đường trèo”

- Thứ Tư, 13/10/2021, 05:38 - Chia sẻ
Có thể nói, kể từ ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên đến nay, chưa bao giờ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn như trong hai năm nay. Song, cũng chính trong bối cảnh đó, “Tâm - Tài - Trí - Tín” của doanh nhân càng được dịp thể hiện, soi rọi.

1. Đầu năm ngoái, khi dịch Covid-19 xuất hiện, tôi cùng ban lãnh đạo công ty xác định ảnh hưởng do dịch chỉ là đối tác nước ngoài sẽ không thể sang trực tiếp để ký kết hợp tác mà phải thông qua hình thức trực tuyến. Thế nhưng, suy đoán đấy là không đủ, khi dịch Covid-19 trải qua 4 lần bùng phát, nặng nề nhất là lần thứ tư từ đầu tháng 5 đến nay. Các dự án đang và dự kiến triển khai đều bị chững lại do nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, đi lại khó khăn. Kế hoạch sang Israel đưa công nghệ nhiệt điện mặt trời thay thế công nghệ quang năng cũng bị ách lại. Chuỗi cung ứng về tài chính bị đình trệ, khi một số nhà tài chính quốc tế hỗ trợ đưa công nghệ mới - vốn là chủ đề mà các ngân hàng thương mại trong nước khá e dè cho vay - đã thay đổi kế hoạch. Khó khăn chồng chất khó khăn!

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp buộc phải thay đổi, cấu trúc lại. Những phần việc nào có thể làm trực tuyến đều được tận dụng tối đa. Riêng mảng phát triển dự án buộc phải đi thực địa, giải phóng mặt bằng… nên công ty duy trì mức lương và công việc nhất định để giữ chân nhân sự khối này. Bởi nếu họ rời đi, việc tái cơ cấu sẽ rất khó khăn, đặc biệt với đội ngũ chuyên gia.

Có thể nói, chưa bao giờ ý niệm “lửa thử vàng” lại quyết liệt và khốc liệt như trong hơn một năm qua. Các doanh nhân, doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt tìm cách thích ứng với các mô hình “3 tại chỗ”, “một cung đường - hai điểm đến”. Đặc biệt, tái cơ cấu được đẩy mạnh hơn lúc nào hết. Doanh nghiệp nhận ra những điểm yếu để khắc phục, tổ chức lại sản xuất, thu hẹp hoạt động ở những lĩnh vực không phải là thế mạnh… Đồng thời, doanh nghiệp cũng nhận ra được những cơ hội phát triển. Minh chứng là, trong 9 tháng qua, cả nước có 85,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; 32 nghìn doanh nghiệp tăng vốn với trên 1,6 nghìn tỷ đồng. Chắc chắn, đây sẽ là những doanh nghiệp phát triển tốt sau đại dịch, doanh nghiệp sẽ tích lũy được những kinh nghiệm quý báu cho chặng đường dài phía trước.

Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 (Bình Định) do Công ty CP Halcom Việt Nam đầu tư được bình chọn là Dự án Năng lượng tái tạo tiêu biểu Việt Nam năm 2020

2. Nhìn lại hành trình vật lộn trong "sóng dữ' Covid-19, có nhiều yếu tố giúp doanh nghiệp trụ lại, như mức độ tác động của dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn, lãnh đạo doanh nghiệp nhanh nhạy thích ứng hơn. Song, trước tiên, đó phải là những doanh nghiệp có nền tảng vững vàng về chính sách, tài chính và con người, định hình được hướng đi thông qua việc xây dựng chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch cả trong ngắn, trung và dài hạn cũng như xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Nếu không có nền tảng, doanh nghiệp chẳng khác nào một ngôi nhà xây trên cát!

Doanh nghiệp ở bất cứ quốc gia, giai đoạn nào cũng không thể tách rời với chủ trương, đường hướng phát triển kinh tế, hệ thống chính sách pháp luật của đất nước đó. Nói cách khác, để tạo lập được nền tảng cho doanh nghiệp, đó không chỉ là nỗ lực xây đắp của giới doanh nhân, từng doanh nghiệp, mà phải có sự hỗ trợ đắc lực từ hệ thống cơ chế chính sách. Muốn vậy, chính sách phải bảo đảm tính thống nhất, ổn định, lâu dài.

Thực tế cuộc chiến chống Covid-19 thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn cách làm “mỗi nơi một kiểu”, vẫn có tình trạng chọn giải pháp an toàn cho địa phương mình, cho cơ quan của mình mà đẩy rủi ro cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều chính sách vừa ban hành đã có hiệu lực ngay, đặt doanh nghiệp vào thế trở tay không kịp. Hay như cơ chế giá FIT cho điện gió hết hiệu lực sau 31.10.2021, nhưng sau đó chính sách thế nào lại chưa rõ… Đây đang là những rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp ít nhiều.

Hiện, chiến lược chống Covid-19 đã thay đổi từ “Zero Covid” sang “sống chung an toàn”. Đây là chiến lược hợp lý, rất được cộng đồng doanh nghiệp trông chờ song đường hướng vẫn chưa rõ ràng. Muốn “sống chung an toàn”, nhất thiết Chính phủ phải có giải pháp tổng thể mang tính dài hạn, tham vấn ý kiến mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là nhà khoa học, chuyên gia y tế, nhà xã hội học cũng như các đối tượng chịu tác động là người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Việc phân cấp cho các địa phương sẽ tạo ra tính chủ động, linh hoạt, nhưng chỉ nên thực hiện dựa trên nguyên tắc tổng thể mà Chính phủ ban hành.

Đặc biệt, phải chống được tâm lý lựa chọn giải pháp an toàn, thấy rủi ro là né tránh. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của những nhà quản lý để hài hòa lợi ích xã hội. Phải coi doanh nghiệp là đối tác và cần được ưu tiên hỗ trợ để phục hồi, phát triển. Khi đó, chúng ta sẽ phát huy được sức sáng tạo to lớn của cộng đồng doanh nghiệp - động lực quan trọng cho khôi phục và thúc đẩy kinh tế.

Trong thư Chúc mừng vừa gửi tới cộng đồng doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa. Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực, cải cách thủ tục hành chính… tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế. Đó là chỉ dấu quan trọng, cùng với “Tâm - Tài - Trí - Tín” của đội ngũ doanh nhân để vun đắp nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp, vững tâm vững trí vượt “non cao, đường hiểm”.

“Non cao cũng có đường trèo
Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”
(*)

___________

(*) Trích thư Chúc mừng của Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi đội ngũ doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.2021.

 

 

 

ĐBQH Nguyễn Quang Huân -  Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam