Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

“Đòn bẩy” từ nguồn vốn đầu tư

- Thứ Sáu, 06/08/2021, 10:58 - Chia sẻ
Quốc hội quyết định bố trí 100.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư này sẽ như “đòn bẩy” kích thích phát triển kinh tế, xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu vực nhiều khó khăn nhất

Trong những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực. Cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế được đầu tư đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước được củng cố vững chắc.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) phát biểu tại hội trường ngày 25.7.2021 Ảnh: Minh Đông

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 4%/năm.

Tuy nhiên, chênh lệch phát triển giữa các vùng miền nhất vùng sâu, vùng xa, miền núi còn cao. Theo bên đại biểu Quốc hội (Đoàn Thị Lê An) Cao Bằng cho rằng, tại các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn là khu vực nhiều khó khăn nhất. Đây là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất.

Có thể thấy có tình trạng này là do vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu là núi cao, biên giới, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chi phí cho sản xuất, lưu thông hàng hóa lớn nên khó khăn để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước dành cho các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua cũng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng, nhất là đầu tư về hạ tầng thiết yếu.

Bên cạnh đó, thì “điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm sự phát triển của các tỉnh miền núi vùng dân tộc thiểu số chính là hạ tầng giao thông”,  như đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết.  Theo đại biểu Triệu Thị Huyền (Yên Bái)  hạ tầng kinh tế - xã hội vùng miền núi còn thiếu đồng bộ, giao thông đi lại khó khăn, diện tích đất canh tác hạn chế, người dân còn thiếu tư liệu sản xuất. Trình độ dân trí chưa đồng đều, chất lượng nhân lực thấp. Ở một số nơi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu, thiếu kiến thức về khoa học, kỹ thuật. Một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến khu vực này vẫn còn bất cập, thiếu đồng bộ, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Giải quyết điểm “nghẽn” hạ tầng giao thông

Theo thống kê, hiện trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khoảng 58.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất. Trên 300.000 hộ thiếu nước sinh hoạt. Đây là những điểm “nghẽn” cần tháo gõ nếu như chúng ta muốn phát triển vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai (Tuyên Quang) phát biểu tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sáng 27.7.2021

Từ thực tế này, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị, Chính phủ, các cấp, các ngành cần có giải pháp căn cơ, tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết về đời sống của người dân như tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số vùng nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Đây là điều kiện tiên quyết trong công tác giảm nghèo bền vững.

Trong việc thiết kế chính sách giảm nghèo cần cân đối hợp lý giữa các chính sách hỗ trợ có điều kiện và hỗ trợ cho không, giữa hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp. Mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Đại biểu Quốc hội Triệu Thị Huyền ( Yên Bái)

Nhận định điểm “nghẽn” lớn nhất kìm hãm sự phát triển của các tỉnh miền núi vùng dân tộc thiểu số chính là hạ tầng giao thông, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) đề nghị, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ kết nối khu vực miền núi, tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi có điều kiện kết nối liên vùng, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, phát triển du lịch, phát triển kinh tế cửa khẩu, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để phát triển khu vực này; trong đó có Nghị quyết quan trọng phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số: 26/2016/QH14 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020. Theo Nghị quyết này, Quốc hội quyết định bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng và Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng.

Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 vừa được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia và Dự án quan trọng quốc gia, Quốc hội quyết định bố trí 100.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 30.000 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 20.000 tỷ đồng.

Như vậy, so với Nghị quyết Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã bổ sung Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với nguồn vốn là 50.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực đáng kể từ ngân sách khi triển khai thực hiện tốt sẽ thực sự tạo “đòn bẩy” để phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để người dân khu vực còn nhiều khó khăn nhất cũng không có ai “bị bỏ lại phía sau”.

Song Hà