Chính sách và cuộc sống

Yêu cầu tiên quyết

- Thứ Sáu, 08/05/2020, 07:13 - Chia sẻ
Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Chín tới đã bổ sung khá nhiều chính sách mới so với Tờ trình đề nghị xây dựng dự án luật như: Chính sách về hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp; chính sách hỗ trợ học nghề, học ngoại ngữ đối với lao động là đối tượng chính sách, người lao động đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao, các nước phát triển; chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; việc bổ sung, mở rộng chi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với lao động sau khi về nước…

Dù vậy, “băn khoăn” là cảm nhận chung khi tiếp cận với hầu hết các chính sách mới này. Điều đáng nói hơn là, căn nguyên của sự băn khoăn ấy lại không thể “cũ” hơn được, đó là, các chính sách này chưa được phân tích, đánh giá, làm rõ tác động. Thậm chí, có những chính sách được cơ quan chủ trì soạn thảo rất tâm đắc nhưng chưa được đánh giá tác động kỹ lưỡng. Như chính sách ưu tiên đầu tư cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dù đánh giá đây là “một nội dung mang tính chất đột phá, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của người lao động trên thị trường lao động quốc tế” nhưng giải trình ý kiến của cơ quan thẩm tra về đánh giá tác động của chính sách này, cơ quan chủ trì soạn thảo cũng vẫn chỉ nêu chung chung rằng, “trong quá trình dự thảo các văn bản hướng dẫn luật để hướng dẫn chính sách này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ cùng với các cơ quan có liên quan đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện về các khía cạnh kinh tế, xã hội, giới...”.

Hay một chính sách khác liên quan đến Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Chính phủ đề xuất sửa đổi các nội dung liên quan đến hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ, trong đó, bổ sung 8 nội dung chi từ Quỹ và bỏ quy định nguồn hình thành do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Cần nói thêm rằng, Quỹ này đã được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật hiện hành, có nguồn thu chủ yếu từ đóng góp của các doanh nghiệp và người lao động với chức năng chính là “phát triển và mở rộng thị trường lao động ngoài nước và nâng cao chất lượng nguồn lao động, hỗ trợ giải quyết rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp”. 

Tuy nhiên, năm 2019, khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013 - 2018, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ: các hoạt động thực hiện chức năng chính của Quỹ hầu như không có hiệu quả. Mặc dù số dư Quỹ từ đầu kỳ giám sát là 109 tỷ đồng và số thu trong cả giai đoạn giám sát là 151 tỷ đồng nhưng tổng chi rất thấp, chỉ khoảng 62 tỷ đồng, bao gồm: chi hoạt động đào tạo gần 4 tỷ đồng; chi hỗ trợ rủi ro hơn 32,5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi cho công tác tuyên truyền là 13,1 tỷ đồng và chi cho công tác quản lý là 13 tỷ đồng (chiếm khoảng 22% tổng chi); hoạt động mở rộng và phát triển thị trường chủ yếu là tổ chức hội thảo và chi phí đoàn ra với tổng số tiền là 225 triệu đồng. Thực tế, trong nhiều trường hợp, ngân sách nhà nước vẫn thực hiện hỗ trợ lao động ngoài nước khi cần thiết đối với nhiều nội dung chi từ Quỹ. Vì thế, Đoàn giám sát đã đề nghị bãi bỏ Quỹ này và chuyển một số nhiệm vụ chi liên quan đến việc hỗ trợ việc làm ngoài nước vào nhiệm vụ chi của NSNN.

Trên cơ sở kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 792/NQ-UBTVQH14, yêu cầu Chính phủ phải thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả của các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước (trong đó có Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước); xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ hoặc không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Chính phủ; báo cáo Quốc hội xem xét quyết định đối với các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Trong khi việc thay đổi hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ dường như đang đi ngược với tinh thần Nghị quyết 792 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hiệu quả, tác động, tính hợp lý của đề xuất này lại chưa được đánh giá, làm rõ trong Tờ trình dự án Luật. Ngay cả việc tổng kết hoạt động và đánh giá việc cần thiết phải duy trì Quỹ, mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ cũng chưa được thực hiện.

Các thành viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội không ít lần chia sẻ cái khó của Ủy ban khi thẩm tra các dự luật thuộc lĩnh vực xã hội bởi báo cáo đánh giá tác động, số liệu, cơ sở để hoạch định chính sách nhiều khi rất cảm tính, số liệu khi đề xuất chính sách một kiểu nhưng khi chính sách được ban hành thì lại khác xa khiến chính sách không đi vào cuộc sống được. Mà có lẽ cũng không riêng gì các dự luật về lĩnh vực xã hội, nhiều dự luật trong các lĩnh vực khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cuộc sống vẫn đang cần có luật và chờ có luật nhưng phải thực sự là những điều luật thiết thực, khả thi, đem lại tác động tích cực. Vì thế, đánh giá thật kỹ lưỡng, thật thận trọng tác động chính sách - điều mà các cơ quan thẩm tra, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tục nhắc nhở, yêu cầu đối với các cơ quan trình dự luật vừa qua có lẽ phải trở thành yêu cầu tiên quyết để xem xét một dự luật hoặc một chính sách cụ thể trong dự luật có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không.

Lam Anh