Bạn đọc viết

Xử lý nghiêm hành vi rao bán vũ khí trên mạng

- Thứ Năm, 10/09/2020, 06:06 - Chia sẻ
Thời gian qua, lực lượng công an đã thực hiện nhiều chuyên án, phát hiện và triệt phá nhiều vụ án lớn liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tuy nhiên, việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ hiện nay vẫn diễn biến phức tạp.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc quản lý cũng như kiểm tra, phát hiện xử lý các đối tượng lợi dụng mạng xã hội còn lỏng lẻo, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan chức năng trong công tác điều tra, phát hiện, xử lý vi phạm...

Pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ. Tuy nhiên, việc vận chuyển, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ thời gian qua diễn biến phức tạp, đáng chú ý là tình trạng mua bán vũ khí, hung khí nguy hiểm vẫn diễn ra tràn lan, công khai trên mạng.

Chỉ cần gõ các cụm từ: Mua vũ khí tự vệ, súng CO2, mua đao kiếm,... trên ứng dụng Google, ngay lập tức có hàng loạt các website, trang mạng xã hội nổi lên với nhiều loại vũ khí được rao bán như: vukhituve.com, roidiengiare.com, shop bán vũ khí tự vệ toàn quốc, súng K54, K59… Tại các trang này, luôn thu hút nhiều lượt like và bình luận, giao dịch mỗi ngày; không chỉ đăng hình ảnh cụ thể từng loại vũ khí, chủ những tài khoản này còn công khai luôn cả số điện thoại, giá tiền để người mua giao dịch... 

Hệ quả của việc mua bán vũ khí nóng dễ dàng, diễn ra công khai, phổ biến trên internet lâu nay dẫn đến nhiều đối tượng đã đặt mua được các mặt hàng này để sử dụng hoặc bán kiếm lời, sử dụng vũ khí quân dụng để thực hiện mưu đồ cá nhân như gây án, cướp tiệm vàng, ngân hàng, giải quyết các mâu thuẫn, chống trả lực lượng chức năng trong khi thi hành công vụ, gây bất an trong dư luận xã hội. Vụ án ở Đồng Tâm (Hà Nội), vụ án Tuấn "khỉ"... là những ví dụ điển hình. 

Hiện, chế tài xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có khá đầy đủ. Tùy từng tính chất, mức độ hành vi mà các cơ quan xử lý theo hướng xử phạt hành chính, hoặc áp dụng pháp luật hình sự. Chẳng hạn Điều 304, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, người chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự bị phạt tù từ 1 - 7 năm; phạt tù từ 5 - 20 năm hoặc chung thân nếu phạm tội có tổ chức, vận chuyển, mua bán qua biên giới, gây thương tích, làm chết người, thiệt hại tài sản trên 100 triệu đồng... 

Trước diễn biến phức tạp của việc mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội, gây bất an cho xã hội, Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới sẽ chỉ đạo lực lượng công an, các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet rà soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các website, mạng xã hội, thuê bao viễn thông đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động mua bán, hướng dẫn chế tạo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.

Đây là những biện pháp cần thiết, tuy vậy thiết nghĩ để ngăn chặn triệt để việc mua bán vũ khí nói chung, mua bán vũ khí trên mạng xã hội nói riêng, cần có cơ chế phối hợp trong công tác trao đổi thông tin, kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ giữa Bộ Công an với các bộ, ngành liên quan như Bộ Giao thông - Vận tải; Bộ Thông tin và Truyền thông...

Bên cạnh đó, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải có công cụ trực tuyến khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời và lưu giữ chứng cứ vi phạm (chẳng hạn như tạm thời đóng, ngừng trang web, app,...); đồng thời tăng cường công tác hợp tác quốc tế với các tổ chức có liên quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, website, mạng xã hội, đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam.

Hải Thanh