Xử lý nghiêm chủ đầu tư không bảo đảm tiến độ xây trường học

- Thứ Sáu, 17/07/2020, 05:45 - Chia sẻ
Qua kiến nghị của cử tri cho thấy, nhiều khu đô thị (KĐT) đã quy hoạch dành đất để xây dựng trường học phục vụ nhu cầu của nhân dân dân trong khu vực. Tuy nhiên, các dự án này đều bị chậm triển khai, dẫn đến quá tải tại các trường học, gây bức xúc trong nhân dân. "Đề nghị UBND thành phố cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới" - đại biểu Phạm Đình Đoàn chất vấn.

Việc xây dựng trường học gặp nhiều khó khăn

Trả lời chất vấn của đại biểu, UBND thành phố cho biết vừa tiến hành rà soát 78 dự án KĐT mới, dự án khu nhà ở đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học. Qua rà soát, có 36 dự án được đầu tư xây dựng đảm bảo đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; 27 dự án KĐT mới, khu nhà ở có tiến độ xây dựng nhà trẻ, trường học theo quy hoạch đảm bảo cùng với tiến độ xây dựng nhà ở, điển hình như tại KĐT mới Định Công, KĐT Mỹ Đình 1 - 2, KĐT Việt Hưng, Sài Đồng...

Tuy nhiên, việc chậm trễ trong việc xây trường học tại các KĐT có nguyên nhân bắt nguồn từ những khó khăn trong công tác GPMB vì liên quan đến đến đền bù, di dời khu nghĩa trang, đình chùa... (như tại dự án KĐT mới Tây Nam Hồ Linh Đàm và KĐT mới Bắc Linh Đàm). Đồng thời, một số dự án hiện đang thiếu vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung (kể cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội) dẫn đến nhiều ô đất xây trường học tại nhiều khu đô thị đang bị bỏ hoang.

Ngoài ra, có không ít dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp để triển khai xây dựng, do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến các nhà đầu tư thứ cấp chậm triển khai nhưng các chủ dự án không đôn đốc triển khai kịp thời, đúng tiến độ.

Đáng chú ý, hiện đang có tình trạng tại các dự án KĐT mới chủ yếu chỉ dành đất xây dựng các trường tư thục nên dẫn đến các trường công lập thuộc phường tăng thêm số lượng học sinh từ các KĐT khác đến học, gây nên tình trạng quá tải về sỹ số.

Đặc biệt, tại các quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm..., theo quy hoạch mạng lưới trường học thì mỗi phường phải có ít nhất 1 trường Mầm non, 1 trường Tiểu học và 1 trường THCS công lập. Tuy nhiên, do các KĐT mới có địa giới hành chính nằm trên một hoặc hai phường, trong khi các phường này đã có đủ các trường công lập theo quy định, còn việc xây dựng trường học trong KĐT chưa kịp triển khai nên đã gây áp lực rất lớn cho các trường công lập tại các phường.

Hà Nội yêu cầu các chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm quy hoạch xây dựng trường học tại các khu đô thị
Ảnh: P. Long

Đẩy nhanh tiến độ xây trường học tại các khu đô thị mới

Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố đề ra một số giải pháp căn cơ, hiệu quả như: Đôn đốc các chủ đầu tư KĐT mới rà soát, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng xã hội; chỉ đạo các Sở, Ngành tiếp tục giám sát, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai... Đáng chú ý, thành phố sẽ tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư thực hiện dự án không đúng tiến độ, chậm xây dựng dự án trường học theo cam kết, không thực hiện chế độ báo cáo giám sát dự án. Đồng thời, sẽ kiên quyết thu hồi dự án đối với nhà đầu tư cố tình trì hoãn việc thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án, chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính của dự án; không giao dự án mới cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư chưa hoàn thành công tác quản lý sau đầu tư đối với các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra toàn diện đối với các dự án, kịp thời phát hiện các vi phạm của chủ đầu tư và kiên quyết xử lý và báo cáo định kỳ theo quy định. Ngoài ra, thành phố sẽ ưu tiên đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất trường học.

Tới đây, thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh bổ sung Quy hoạch mạng lưới trường học các cấp từ mầm non đến THPT của thành phố và các quy hoạch liên quan khác nhằm đảm bảo điều kiện hoàn thiện cơ sở vật chất trường học phục vụ phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô.

Nguyên Khôi (Huỳnh Phi Long)