Xử lý điểm chồng chéo, mâu thuẫn ngay từ khâu soạn thảo

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:29 - Chia sẻ
Tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 48, Báo cáo kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước đã được Chính phủ trình ra. Ghi nhận nỗ lực này của Chính phủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, việc đánh giá văn bản mâu thuẫn, chồng chéo cần được tiến hành hết sức thận trọng, mỗi nhận định, đánh giá cần phải hết sức cụ thể, rõ ràng, có lập luận chặt chẽ, thuyết phục, phương án xử lý phù hợp, khả thi.

41 văn bản quy phạm pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo

Theo Báo cáo của Chính phủ và các phụ lục kèm theo, tổng cộng các cơ quan đã tiến hành rà soát được 8.779 văn bản, trong đó có 249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1.163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6.414 văn bản của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Trong số này có 28 nội dung quy định trong 41 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo. 64 nội dung quy định trong 77 văn bản quy phạm pháp luật được nhận định là có bất cập, không phù hợp thực tiễn.

Một số nội dung được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo hay bất cập, không phù hợp thực tiễn theo như phân tích, đánh giá trong Báo cáo của Chính phủ đã được các cơ quan của Quốc hội đồng tình. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc đánh giá văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo hay không phù hợp với thực tiễn là vấn đề cần được tiến hành hết sức thận trọng, bởi không chỉ liên quan đến chất lượng của công tác xây dựng pháp luật mà sẽ có tác động, ảnh hưởng lớn đến tâm lý, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội nói chung. Do đó, mỗi nhận định, đánh giá cần phải hết sức cụ thể, rõ ràng, có lập luận chặt chẽ, thuyết phục, phương án xử lý phù hợp, khả thi.

Trong số những nội dung được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo liên quan đến các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đánh giá của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, có nội dung là do ngôn ngữ thể hiện trong luật, pháp lệnh, nghị quyết chưa cụ thể, rõ ràng, việc sử dụng thuật ngữ thiếu thống nhất dẫn đến nhiều cách hiểu và diễn giải pháp luật khác nhau; có nội dung là do sự thiếu nhất quán trong nguyên tắc áp dụng pháp luật hoặc khi xây dựng, ban hành văn bản cụ thể chưa thể hiện đúng nội dung một số nguyên tắc, lý thuyết căn bản của pháp luật đã được ghi nhận trong Hiến pháp hay một số đạo luật có tính nền tảng nên gây ra sự thiếu thống nhất trong cách thức quy định và áp dụng pháp luật.

Đối với các nội dung được nhận định là không phù hợp với thực tiễn, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, có nội dung là do thay đổi của tình hình dẫn đến phát sinh nhu cầu cần cập nhật, điều chỉnh về cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật; song cũng có những nội dung bộc lộ rõ bất cập, không phù hợp ngay từ khi văn bản được ban hành do quy định trong văn bản chưa có tính bao quát, còn bỏ sót nội dung cần điều chỉnh trong lĩnh vực có liên quan hoặc quá trình tổng kết, đánh giá để làm cơ sở cho việc soạn thảo văn bản chưa được thực hiện nghiêm túc, có trách nhiệm khiến cho quy định trong luật còn chung chung, chưa cụ thể, thiếu tính khả thi… Đồng thời, cũng cần kể đến các nội dung được cho là mâu thuẫn, chồng chéo, khó thực hiện, song thực chất là do các cơ quan chưa hiểu và triển khai thực hiện đúng, nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của luật.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 48, sáng 17.9  

Ảnh: Quang Khánh 

"Tôi giữ luật này của bộ tôi thì anh vào rất khó" 

Qua nghiên cứu, đánh giá và có ý kiến bước đầu về những điểm được nhận định là có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn thuộc lĩnh vực mỗi Ủy ban phụ trách, các Ủy ban của Quốc hội đồng thuận, nhất trí với 30 nội dung được báo cáo của Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, có 5 nội dung có sự nhất trí một phần, còn nhiều nội dung ý kiến còn rất khác nhau, cần được tiếp tục nghiên cứu thật thận trọng, kỹ lưỡng.

Từ kết quả rà soát các luật, pháp lệnh về những lĩnh vực mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội phụ trách, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng có chung đề nghị “việc đánh giá quy định pháp luật bất cập, không phù hợp thực tiễn phải được cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ đúng nguyên nhân và giải pháp khắc phục”. Cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cần có sự tổng kết để đánh giá do quy định của pháp luật hay do tổ chức thực hiện, vì có nội dung do tổ chức thực hiện, không phải quy định của pháp luật. Thậm chí, trong quy định của pháp luật cũng cần làm rõ đó là quy định của luật hay là quy định của văn bản hướng dẫn thi hành luật. Ví dụ, không thể đổ lỗi cho Luật An toàn, vệ sinh lao động về việc quản lý nhà nước đối với máy móc, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động chưa hợp lý. Bởi, đối chiếu với các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì thấy Điều 33 của Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm, thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành. Bên cạnh đó, Luật cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để trình Chính phủ quyết định phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đối với máy, thiết bị vật tư, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động mới chưa được quy định tại Điều 33. Từ ví dụ cụ thể này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị, phải làm rõ đây là do lỗi của Luật An toàn, vệ sinh lao động hay lỗi của việc ban hành các văn bản để triển khai quy định của Luật.

Nhìn từ góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình cho rằng, để xử lý sự giao thoa giữa các luật thì phải đi sâu tìm hiểu nguyên nhân tận cùng của sự giao thoa đó là gì. Dẫn ví dụ về đề nghị tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, chuyển giao một số thẩm quyền từ Bộ Giao thông - Vận tải sang Bộ Công an, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình cho rằng, nếu mỗi bộ có một luật, bộ nào giữ luật của bộ đó thì sẽ khiến cho các luật không được vận hành nhịp nhàng. Trong khi đó, về nguyên tắc, pháp luật là một hệ thống văn bản của Nhà nước, cần được vận hành đồng bộ, có sự phối hợp với nhau. Không phải mỗi bộ có một luật rồi tôi giữ luật này của bộ tôi, anh vào rất khó, rất ngại ngùng nói chuyện. 

Sự mâu thuẫn, có điểm giao thoa trong các luật, bộ luật nảy sinh trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Ghi nhận thực tế này, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cho rằng, sẽ xây dựng một danh mục phân loại cụ thể những vấn đề được thống nhất, thống nhất một phần và chưa thống nhất, qua đó các cơ quan chức năng chủ động phối hợp để tìm phương án xử lý thích hợp. Tuy nhiên, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Chín đã tiếp tục đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt về việc rà soát các luật liên quan ngay trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án luật, làm rõ hơn nguyên tắc áp dụng trong trường hợp giữa những văn bản quy phạm pháp luật khác nhau cùng quy định về một vấn đề. Hy vọng, với sự chủ động rà soát các luật có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật ngay từ khâu soạn thảo luật thì tình trạng mâu thuẫn, chồng lấn giữa các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được khắc phục hiệu quả hơn.

Thanh Hải