Thành phố Hồ Chí Minh

Xử lý chất thải nguy hại bài bản, tập trung

- Thứ Ba, 01/09/2020, 05:53 - Chia sẻ
Để bảo đảm thắt chặt quản lý, xử lý chất thải nguy hại trên toàn địa bàn, bên cạnh việc hoàn thiện quy trình cũng như chủ trương, chính sách cần thiết; TP Hồ Chí Minh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý rác tiên tiến cũng như đầu tư xây dựng thêm các nhà máy mới, đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải nói chung.

Lượng rác thải tăng nhanh

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh phát sinh khoảng 2.500 tấn chất thải công nghiệp và 350 tấn chất thải nguy hại. Ước tính đến năm 2025, lượng chất thải nguy hại sẽ tăng lên 1.000 tấn/ngày và 3.500 tấn/ngày đối với chất thải công nghiệp. Tuy nhiên, đơn vị xử lý chất thải công nghiệp lớn nhất thành phố là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh cũng chỉ tiếp nhận và xử lý được trên dưới 1.000 tấn/ngày. Còn với chất thải nguy hại, chỉ có 13 cơ sở được cấp phép với tổng công suất 250 tấn/ngày.

Nguồn: ITN

Chưa kể, do công nghệ xử lý lạc hậu, cùng với việc các cơ sở xử lý đang hoạt động riêng lẻ, quy mô nhỏ, địa điểm hoạt động trong khu dân cư, khu công nghiệp nên năng lực xử lý chỉ đạt khoảng 50%. Phần chất thải nguy hại còn lại được hóa rắn để chôn lấp, lưu chứa tại các chủ nguồn thải cũng được thu gom, vận chuyển về các tỉnh, thành phố khác để xử lý thứ cấp.

Chia sẻ những nhược điểm trong tái chế, xử lý chất thải nguy hại, nhiều doanh nghiệp cho biết, hầu hết cơ sở tái chế, xử lý chất thải công nghiệp thường tập trung chủ yếu vào kinh doanh phế liệu nên việc mở rộng quy mô xử lý chất thải nguy hại gặp khó khăn về đất và tài chính. Điều này đã dẫn đến tình trạng độc quyền, giá thành xử lý không ổn định, chi phí xử lý chất thải nguy hại quá cao, chủ nguồn thải không có nhiều lựa chọn trong việc chuyển giao chất thải nguy hại để xử lý, tiêu hủy.

Thắt chặt quản lý, xử lý chất thải

Việc các cơ sở xử lý chất thải nguy hại với quy mô nhỏ, tồn tại rải rác ở nhiều quận, huyện mà chưa mang tính tập trung vào một khu vực được quy hoạch, dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình xử lý, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng và phải mất thời gian dài mới khắc phục được những nguy hại tới môi trường.

Để bảo đảm thắt chặt quản lý, xử lý chất thải nguy hại trên toàn địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, bên cạnh việc tham mưu thành phố để hoàn thiện quy trình cũng như chủ trương, chính sách cần thiết; thành phố đã và đang đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (huyện Bình Chánh), Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi), Khu Công nghệ môi trường Xanh (tỉnh Long An).

Đặc biệt, khởi công xây dựng Nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với công suất 500 tấn/ngày tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước huyện Bình Chánh vào cuối năm 2019. Dự kiến, nhà máy sẽ vận hành thử nghiệm vào tháng 10.2020, vận hành chính thức trong tháng 9.2021 với công suất xử lý 200 tấn/ngày và có thể nâng lên khoảng 500 tấn/ngày trong giai đoạn 2 (năm 2022). Sau khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định có thể tăng công suất theo công nghệ đốt phát điện.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kho vận Giao nhận Ngoại thương Mộc An Châu Phạm Duy Tân, nhà máy có tổng vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng, được đầu tư sử dụng công nghệ nhiệt, công nghệ xử lý chất thải lỏng, công nghệ tái chế nhựa thải, nhựa phế liệu, xử lý và tái chế chất thải điện tử, công nghệ phá hủy xe cơ giới quá hạn, tái chế kim loại và kim loại màu nên có thể xử lý và tái chế từ 70 - 90% chất thải. Chất thải trong quá trình xử lý thành nguyên liệu và sản phẩm tái chế luôn được kiểm soát chặt chẽ, đạt quy chuẩn quốc gia về an toàn cho môi trường.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, việc xây dựng nhà máy xử lý tập trung, quy mô công suất lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của thành phố. Đây cũng là nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại tập trung đầu tiên tại thành phố. Sự ra đời của nhà máy bước đầu đáp ứng được yêu cầu xử lý chất thải nguy hại theo hướng bài bản và tập trung, từng bước giải quyết tình trạng manh mún, riêng lẻ trong vận chuyển và xử lý đối với loại hình rác đặc thù này.

Thời gian tới, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở xử lý chất thải công nghiệp trên địa bàn, nhất là với 13 cơ sở đang xử lý chất thải nguy hại, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý rác tiên tiến; đầu tư xây dựng thêm các nhà máy mới đáp ứng yêu cầu xử lý rác thải nói chung, bảo đảm xử lý an toàn 100% lượng rác thải phát sinh. 

Lê Chi