Tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Xây dựng Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:50 - Chia sẻ
Từ đầu tháng 7, trước thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Mai Sơn lần thứ XX nhiệm kỳ 2020 - 2025 hơn một tháng, những công việc chuẩn bị quan trọng nhất đã hoàn tất chỉn chu. Ông Trần Đắc Thắng, Bí thư Huyện ủy Mai Sơn cho biết, dự thảo báo cáo chính trị của Đảng bộ huyện đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua, trong đó thành tố bao trùm là xây dựng huyện Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Dấu ấn đặc biệt

Những ngày cận kề Đại hội Đảng bộ huyện, Mai Sơn ngập tràn tin vui. Gần cuối tháng 6, huyện xuất khẩu 30 tấn xoài vào thị trường Mỹ. Hơn chục ngày sau đó, 20 tấn thanh long ruột đỏ của nông dân Mai Sơn sản xuất theo hướng hữu cơ, được cấp chứng nhận VietGAP và mã vùng trồng “lên đường” sang Nhật…

Có thể nói rằng Mai Sơn đã trở thành một huyện điển hình của Sơn La trong việc làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao và đây cũng chính là dấu ấn đặc biệt của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020. “Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chúng tôi từng bước chuyển sang trồng các loại cây ăn quả, cây trồng có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Bình quân giá trị sản xuất tăng 9,67%/năm”, Bí thư Huyện ủy Trần Đắc Thắng cho biết.

Tính đến hết năm 2020, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện Mai Sơn ước đạt 9.893ha, tăng 8.490ha so với năm 2015. Sản lượng quả khoảng 41.500 tấn, trong đó có 3.000ha ứng dụng công nghệ cao, gần 800ha sản xuất hữu cơ, 291ha được cấp chứng nhận VietGAP (tập trung tại các xã Hát Lót, Nà Bó, Cò Nòi, Chiềng Mung, Chiềng Ban, Mường Bon, thị trấn Hát Lót). 1.126ha trồng xoài, nhãn, thanh long Xây dựng mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Riêng trong năm 2019, Mai Sơn đã xuất khẩu được 4 loại quả (xoài, nhãn, thanh long, chanh leo) với sản lượng 5.327 tấn sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Mỹ… Giá trị xuất khẩu đạt 4,095 triệu USD. Có 4 công ty, doanh nghiệp, 20 hợp tác xã và 147 hộ gia đình đạt thu nhập trên 300 triệu đồng/ha/năm trở lên.

Nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Trần Đắc Thắng cho rằng, “Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt; phát huy đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong huyện, khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành mục tiêu xây dựng Mai Sơn trở thành huyện phát triển của tỉnh”. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (theo giá hiện hành) năm 2020 ước đạt 39,5 triệu đồng/người, tăng 64,58% so với năm 2015. Dự kiến đến cuối năm nay tỷ lệ hộ nghèo ở Mai Sơn còn dưới 15%. Toàn bộ 22/22 xã, thị trấn có đường nhựa đến trung tâm xã, tạo sự kết nối giữa các vùng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống trường lớp học được củng cố, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt 97 - 98%. Mỗi năm, Mai Sơn có trên 1.000 lượt học sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp - dẫn đầu toàn tỉnh Sơn La.

Cùng với đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng. Đến nay, toàn huyện đạt 248 tiêu chí (tăng 102 tiêu chí so với năm 2015), diện mạo vùng nông thôn có nhiều đổi mới. Hiện Mai Sơn có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt 2 xã so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX). Nhiều khả năng cuối năm nay huyện có thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã Chiềng Ban sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đó là những kết quả đầy khích lệ của một huyện có 6 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống (trong đó dân tộc Thái chiếm 57,2%; dân tộc Kinh chiếm 23,5%; dân tộc Mông chiếm 11,7%...) và có 126 bản trong tổng số 327 bản, tiểu khu của huyện nằm trong diện đặc biệt khó khăn. Để đạt được những thành công như vậy, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đội ngũ cán bộ có bước phát triển và trưởng thành từ thực tiễn; đặc biệt là xác định đúng định hướng và nhiệm vụ trọng tâm để tập trung triển khai thực hiện.

Anh Nguyễn Xuân Hòa, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn thu 300 - 400 triệu đồng/năm từ cây ăn quả như bưởi, xoài...  

Tâm thế mới, quyết tâm cao

Đảng bộ huyện Mai Sơn có 46 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 31 Đảng bộ cơ sở và 15 Chi bộ cơ sở với 8.835 đảng viên. Ông Nguyễn Sơn Hải, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mai Sơn cho biết, những công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, vì thế Huyện ủy lên kế hoạch cụ thể và triển khai rất sớm, từ tháng 7.2019. “Đến giờ, mọi công việc chuẩn bị cho Đại hội đã cơ bản hoàn tất, kể cả công tác chỉnh trang đô thị, hoàn thành các công trình chào mừng Đại hội”, ông Hải cho biết. Tính đến ngày 21.6, 46/46 chi bộ, đảng bộ cơ sở đã tổ chức xong Đại hội, trong đó có 4 Đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội thí điểm bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại Đại hội.

Trước thời điểm diễn ra Đại hội gần 2 tháng, dự thảo báo cáo chính trị và đề án nhân sự của Đảng bộ huyện Mai Sơn đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La cho ý kiến và phê duyệt. Bí thư Huyện ủy Trần Đắc Thắng cho biết, định hướng của nhiệm kỳ tới là xây dựng Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững. “Dự thảo đề ra 19 chỉ tiêu. Trong đó một số chỉ tiêu đáng chú ý như: thu ngân sách trên địa bàn đạt 820 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.500 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 14,5%; thành lập mới 30 hợp tác xã; diện tích cây ăn quả các loại đạt 11.500ha; tỷ lệ trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 61,4%; hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 2%; 50% dân số sử dụng internet; 100% số hộ được nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và xem Đài Truyền hình Việt Nam; 100% hộ gia đình khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…”.

Để thực thực hiện thắng lợi 19 mục tiêu phát triển, dự thảo báo cáo chính trị đề ra 3 khâu đột phá gồm: đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực.

Trong đó, huyện sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của 3 vùng kinh tế. Vùng kinh tế dọc Quốc lộ 6 với vai trò vị trí trung tâm kinh tế, tạo động lực đẩy phát triển kinh tế của toàn huyện, nhất là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn, hình thành vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh gắn với các cơ sở công nghiệp chế biến, đẩy mạnh phát triển đô thị, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Vùng kinh tế dọc sông Đà tập trung khai thác các điều kiện tự nhiên, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bền vững. Vùng cao, biên giới xác định là địa bàn giữ vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp kết hợp, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Huyện Mai Sơn xây dựng kế hoạch đến năm 2025 duy trì ổn định diện tích cây ăn quả các loại đạt 11.500ha (trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao 5.400ha, diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ 2.700ha); 70% doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tuân thủ quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, GlobalGAP...; 50% diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap được cấp mã số vùng trồng, có cơ sở sơ chế, đóng gói sản phẩm. Hàng năm sản xuất từ 25% sản phẩm quả phục vụ xuất khẩu; 30% phục vụ tiêu dùng trong nước; 45% phục vụ các nhà máy chế biến trong và ngoài tỉnh.

Sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng trong suốt hơn một năm qua là cơ sở vững chắc cho thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng bộ huyện Mai Sơn lần thứ XIX. Bí thư Huyện ủy Trần Đắc Thắng cũng tin tưởng rằng, với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, chắc chắn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mai Sơn bước vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025 với một tâm thế mới và quyết tâm cao. “Toàn huyện sẽ đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, quyết tâm xây dựng Mai Sơn phát triển xanh, nhanh và bền vững”.

Hà Lan