Xây dựng kịch bản điều hành gắn với dự báo tình hình

- Thứ Tư, 06/05/2020, 07:04 - Chia sẻ
Tại Phiên họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng, thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020 diễn ra sáng qua, các đại biểu cho rằng, Chính phủ cần xây dựng các kịch bản điều hành tương ứng với dự báo thời gian hết dịch của Việt Nam và thế giới. Trong đó đề ra những giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội.

“Nhiều kết quả ấn tượng”

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, bối cảnh khu vực và quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố không thuận. Trong nước, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế cùng với thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Song, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; là năm thứ 2 liên tiếp hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%, tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong toàn xã hội.

Đáng chú ý, so với báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2019), đến nay, trên cơ sở tổng hợp kết quả thực hiện cả năm 2019 cho thấy có nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, có 7/12 chỉ tiêu vượt kế hoạch, tăng thêm 2 chỉ tiêu (gồm tốc độ tăng GDP đạt 7,02% thay vì 6,8% như số đã báo cáo; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4%, thay vì 7,9%).


Cần lựa chọn đối tượng ưu tiên để hỗ trợ hiệu quả Nguồn: TTXVN

Trong 4 tháng đầu năm nay, dịch Covid - 19 đã tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,82% là mức thấp nhất trong 10 năm qua, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới thì đây là mức tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD (tăng 4,7%), trong đó khu vực trong nước tăng 12,1% và có 15 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Thương mại điện tử được đẩy mạnh, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm. Thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về phòng, chống dịch…

Mặc dù đạt được những kết quả “ấn tượng” theo cách nói của chuyên gia  kinh tế Cấn Văn Lực, song vẫn còn nhiều điều gây băn khoăn. Theo ông Lực, khi mổ xẻ kỹ hơn kết quả của năm 2019 cho thấy có một phần đóng góp quan trọng của công nghiệp khai khoáng với mức tăng 1,29% sau 3 năm giảm liên tục, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng chung. “Nếu không có yếu tố này sẽ mất đi khoảng 0,32 điểm phần trăm tăng trưởng”, ông Lực nói, đồng thời kiến nghị Chính phủ cần làm rõ hơn động lực của tăng trưởng.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bổ sung, mặc dù thặng dư thương mại khá cao (năm 2019 đạt trên 11 tỷ USD) song chủ yếu tập trung vào các thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, trong khi khối các nước tham gia Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vốn rất kỳ vọng lại “thiếu vắng”, ngoại trừ Mexico. Điều này phần nào cho thấy năng lực của chúng ta “còn hạn chế” khi tiếp cận các cơ hội do CPTPP mang lại. Vì thế, tới đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực, liệu chúng ta có nắm được cơ hội là vấn đề đang đặt ra, đòi hỏi phải có chính sách để tiếp cận thị trường này.

Cũng theo ông Hoàng Văn Cường, 4 tháng đầu năm nay, dù tốc độ tăng trưởng vẫn ở mức khá so với khu vực và thế giới (3,82%), đặc biệt có xuất siêu, song chủ yếu lại ở lĩnh vực nông nghiệp, trong khi những năm trước là ở các lĩnh vực khác. Đây là vấn đề cần lưu ý, vì “xuất siêu nông nghiệp không phải là tốt”, ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh. Thêm nữa, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo phải hạ giá thịt lợn, song thực tế sau đó giá này lại tăng, đặt ra thách thức trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Vậy quản lý đã làm chủ được chưa? Chúng ta có quá phụ thuộc vào một số doanh nghiệp chăn nuôi - ông Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi và đề nghị cần làm rõ trong quản lý.

Phân bổ hiệu quả nguồn lực

Nhìn nhận từ nay đến cuối năm, mặc dù nước ta đã tổ chức phòng chống, dập dịch Covid-19 có hiệu quả và có thể kết thúc dịch sớm hơn so với các nước khác, song theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư “ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài  đối với kinh tế Việt Nam”. Do vậy, các cấp, ngành và địa phương cần tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thận trọng, triển khai kịp thời các chỉ đạo về phòng, chống dịch; bảo đảm cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân.

Song song với đó, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối  tượng bị ảnh hưởng bởi dịch. Bên cạnh việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, tổng hợp, đánh giá về tình hình và ảnh hưởng của dịch tới toàn bộ nền kinh tế cũng như từng ngành, địa phương để đưa ra giải pháp cụ thể cần nghiên cứu, dự báo những xu thế, cơ hội và xác định động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế…

Các đại biểu cũng chỉ rõ, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, Chính phủ cần xây dựng kịch bản điều hành gắn với dự báo thời gian hết dịch của Việt Nam và thế giới, trong đó đề ra những giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội. Đối với các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân bổ sung, việc phân bổ nguồn lực cần có giải pháp cụ thể để chọn đúng đối tượng cần ưu tiên. Chẳng hạn, trong tổng số 5 triệu hộ kinh doanh cá thể được hỗ trợ thì trước tiên cần ưu tiên những hộ có đóng thuế môn bài (khoảng 1,7 triệu hộ). Mặt khác, DNNVV là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất do dịch, vì thế cần tăng cường quỹ hỗ trợ DNNVV và quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp này. Khi đó, doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận tín dụng hơn để phục hồi hoạt động.

Lấy dẫn chứng trước đây, Trường Đại học Kinh tế quốc dân vẫn mời giảng viên bên Mỹ sang giảng dạy, nhưng khi có dịch và thực hiện học trực tuyến, trường đã giảm khá nhiều chi phí cho việc này, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, Covid - 19 cũng mang lại nhiều cơ hội, trong đó có việc sớm chuyển đổi sang nền kinh tế số. Thêm nữa, Covid - 19 chắc chắn sẽ khiến xu thế bảo hộ tăng lên, đi kèm với đó là sự dịch chuyển đầu tư. Trong khi đó, với việc khống chế hiệu quả dịch bệnh, Việt Nam đang tạo ra thương hiệu quốc gia tốt. Do vậy, Chính phủ cần đề ra các chính sách, giải pháp để thu hút đầu tư, nắm bắt cơ hội nhằm khôi phục mạnh mẽ hơn sau dịch.

Đan Thanh