Xác định rõ cơ chế phán quyết cuối cùng

- Thứ Bảy, 19/09/2020, 08:18 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định quy định Danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công (Dự thảo) đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các đối tượng liên quan. Theo Dự thảo, Chủ tịch UBND có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công và Quyết định của Chủ tịch UBND về giải quyết tranh chấp là quyết định cuối cùng.

Quy định cụ thể từng loại tranh chấp

Điều 3, Dự thảo quy định về danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công đã liệt kê cụ thể các doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp trong 6 ngành, lĩnh vực trọng yếu theo nguyên tắc có kế thừa và điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Bao gồm các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: lĩnh vực sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện; lĩnh vực thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cấp dầu khí; lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không, hàng hải; lĩnh vực cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan nhà nước; các doanh nghiệp cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường; các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.

Sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện là 1 trong 6 ngành, lĩnh vực sử dụng lao động không được đình công

Theo đó, Dự thảo đã có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp với sự thay đổi của yêu cầu thực tiễn cũng như sự điều chỉnh của các văn bản liên quan. Chẳng hạn, lĩnh vực sản xuất, truyền tải, điều độ hệ thống điện, giữ nguyên 3 công ty sản xuất điện, các đơn vị truyền tải điện, điều độ hệ thống điện và bổ sung Công ty Nhiệt điện Duyên Hải thuộc Tổng Công ty Phát điện 1 (có công suất đạt 2.940 MW). Hay, lĩnh vực thăm dò, khai thác, sản xuất, cung cấp dầu khí, điều chỉnh giảm 2 đơn vị so với hiện nay. Hoặc, lĩnh vực cung cấp hạ tầng mạng viễn thông, dịch vụ bưu chính phục vụ cơ quan nhà nước, giữ hai công ty cung cấp hạ tầng mạng viễn thông thuộc Tập đoàn bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội; điều chỉnh giảm 2 đơn vị viễn thông liên tỉnh và viễn thông quốc tế do giải thể; cập nhật lại đầu mối của Bưu điện Trung ương sau khi đơn vị này sáp nhập vào Cục Bưu điện Trung ương thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Còn các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, cập nhật thay đổi theo Nghị định số 93/2015/NĐ-CP ngày 15.10.2015 của Chính phủ về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, đề xuất này góp phần giải quyết hạn chế Nghị định số 41/2013/NĐ-CP cũng đang phát sinh những bất cập, một số doanh nghiệp thuộc danh mục thời gian qua đã có sự sắp xếp lại hoạt động sản xuất kinh doanh không còn thuộc vào những lĩnh vực trọng yếu cần hạn chế đình công, cùng với đó xuất hiện những doanh nghiệp mới có đầy đủ yếu tố cần đưa vào danh mục. Hơn nữa, trong các doanh nghiệp không được đình công cũng phát sinh các tranh chấp lao động (cá nhân; tập thể về quyền, về lợi ích) nhưng Nghị định số 41/2013/NĐ-CP mới quy định việc giải quyết yêu cầu của tập thể lao động mà chưa có quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết từng loại tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công. 

Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết tranh chấp tập thể

Liên quan những quy định về việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công, tại Điều 4, 5, 6 Dự thảo đã đề xuất giải quyết 4 loại tranh chấp lao động, gồm: tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và tranh chấp về quyền thương lượng tập thể. Trong đó các quy định về giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp về quyền thương lượng tập thể ở nơi sử dụng lao động không được đình công cũng giống như ở các doanh nghiệp bình thường khác nên việc quy định chủ yếu là dẫn chiếu theo Bộ luật Lao động năm 2019. Riêng tranh chấp tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công, dự thảo Nghị định đề xuất, thẩm quyền giải quyết là hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Bộ luật Lao động năm 2019 có nhiều nội dung thay đổi so với Bộ luật Lao động năm 2012. Trong đó, có bổ sung tranh chấp về quyền thương lượng tập thể, sửa đổi một số quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết các loại tranh chấp so với Bộ luật Lao động 2012 và Khoản 2 Điều 209 của Bộ luật Lao động năm 2019 giao Chính phủ quy định danh mục nơi sử dụng lao động không được đình công và việc giải quyết tranh chấp lao động tại nơi sử dụng lao động không được đình công.

Đối với đề xuất trao thẩm quyền giải quyết tranh chấp tập thể về lợi ích tại nơi sử dụng lao động không được đình công cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, cân nhắc thêm quy định này vì trong Bộ luật Lao động năm 2019 không đề cập đến thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị giữ như Dự thảo, vì cơ chế giải quyết tranh chấp lao động ở nơi sử dụng lao động không được đình công có tính chất đặc thù, không giống như quy trình giải quyết tranh chấp lao động ở các doanh nghiệp thông thường khác nên tại Khoản 2, Điều 209 Bộ luật Lao động năm 2019 đã giao cho Chính phủ quy định, theo đó Chính phủ có thẩm quyền quy định cụ thể. Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ở doanh nghiệp thông thường thì đi theo quy trình từ hòa giải, trọng tài và cuối cùng là đình công để giải quyết vấn đề. Đối với nơi sử dụng lao động không được đình công thì người lao động không được đình công nên cần phải có cơ chế phán quyết cuối cùng, theo đó từ năm 2007 đến nay, Chính phủ giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết tranh chấp này.

Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết của Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo hướng, phân công Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các bên liên quan hướng dẫn các bên tranh chấp tiến hành thương lượng giải quyết vụ việc tranh chấp. Trường hợp các bên đạt được thỏa thuận, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh thông báo kết quả giải quyết tranh chấp lao động. Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án giải quyết tranh chấp lao động, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Quyết định của Chủ tịch UBND cấp tỉnh là quyết định cuối cùng mà các bên tranh chấp phải thi hành.

Nguyễn Minh