Xác định đúng thẩm quyền giải quyết làm tiền đề cho hoạt động thẩm tra và giám sát

- Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:41 - Chia sẻ
Lược ghi Báo cáo đề dẫn của Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy tại Hội nghị

Kính thưa đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,

Kính thưa đồng chí Phạm Văn Rạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An,

Kính thưa các vị đại biểu khách quý, cùng toàn thể các đồng chí.

Được sự đồng ý của lãnh đạo Quốc hội, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long (lần thứ 7) và khu vực miền Đông Nam bộ (lần thứ 6) nhiệm kỳ 2016-2021.

Thay mặt lãnh đạo Ban Công tác đại biểu, tôi xin chúc quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, chúc hội nghị thành công tốt đẹp.

Kính thưa các vị đại biểu!

Đây là lần đầu tiên Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh Long An tổ chức hội nghị với sự tham gia của hai khu vực trên toàn quốc để tạo được diễn đàn có số lượng địa phương tham dự lớn nhất từ trước đến nay. Đây là đổi mới công tác tổ chức các hội nghị Thường trực HĐND khu vực trong nhiệm kỳ này bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tăng cường sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các khu vực; đồng thời, cũng phù hợp với điều kiện thực tế của HĐND tỉnh Long An khi tham gia tại hai khu vực Miền Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Tại các hội nghị trước của hai khu vực, chúng ta đã trao đổi về nhiều nội dung liên quan đến chức năng quyết định và giám sát của HĐND. Tại hội nghị lần này, Ban Công tác đại biểu và Thường trực HĐND tỉnh Long An thống nhất lựa chọn chủ đề: “Kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh”. Đây cũng là dịp để Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan trung ương tham dự hội nghị nắm bắt tình hình thực tế của địa phương, các kiến nghị sau 5 năm thực hiện Luật Tổ chức chính chính quyền địa phương cùng nhiều văn bản pháp luật về tổ chức, hoạt động gần một nhiệm kỳ của HĐND.

Trong buổi sáng hôm nay, với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện một số cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và đông đảo quý vị đến từ HĐND của 21 tỉnh, thành trong khu vực cùng 3 tỉnh khách mời, tôi xin đề xuất một số nội dung để hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận.

Thứ nhất: Tiếp tục trao đổi về các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị tọa đàm. Các đồng chí sẽ được nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến của các Ban HĐND, bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND được đại diện Thường trực HĐND tỉnh Long An trình bày. Với vị trí là cơ quan thường trực của HĐND, có vai trò điều hòa phối hợp các hoạt động của các Ban HĐND, trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động bộ máy tham mưu, giúp việc của HĐND, tôi đề nghị Thường trực HĐND chia sẻ, bày tỏ quan điểm, bổ sung các nội dung được trình bày tại hội nghị tọa đàm chiều qua; kinh nghiệm thực tế của Thường trực HĐND các địa phương trong việc hỗ trợ, phối hợp với các Ban, Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND để tạo cơ chế thuận lợi, hiệu quả góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chung của HĐND.

Thứ hai: Về các hoạt động liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của HĐND, đề nghị các đồng chí chia sẻ kinh nghiệm về công tác chuẩn bị kỳ họp HĐND. Với kinh nghiệm cá nhân, các Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND chia sẻ về công tác điều hành, chủ tọa kỳ họp để tạo không khí dân chủ, cởi mở trong thảo luận, tranh luận giữa các đại biểu HĐND với các cơ quan thuộc khối cơ quan hành pháp, tư pháp ở địa phương. Kinh nghiệm đưa ra kết luận tại các phiên họp để các cơ quan, tổ chức có cơ sở, căn cứ rõ ràng trong quá trình triển khai, thực hiện.

Thứ ba: Hoạt động của Thường trực HĐND. Để phiên họp chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND có hiệu quả, đề nghị các đồng chí trao đổi về kinh nghiệm lựa chọn vấn đề chất vấn, giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, giá trị pháp lý của kết luận phiên giải trình, công tác thông tin tuyên truyền; việc mời các đại biểu HĐND quan tâm tham dự phiên chất vấn, giải trình; việc thiết lập đường dây “nóng” ghi nhận những ý kiến phát biểu của các đại biểu HĐND không tham dự trực tiếp phiên họp.

Thứ tư: Các hoạt động có mối quan hệ trực tiếp với Nhân dân và cử tri. Đề nghị các đồng chí trao đổi kinh nghiệm lắng nghe, tổng hợp các kiến nghị của cử tri đề xác định đúng tính “chính đáng” của kiến nghị, đơn thư khiếu nại tố cáo, xác định đúng thẩm quyền giải quyết làm tiền đề cho hoạt động thẩm tra và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân; kinh nghiệm mở rộng các hình thức tiếp xúc, đối tượng tiếp xúc, mở các chuyên mục, diễn đàn trên đài phát thanh, truyền hình của địa phương để nắm bắt kịp thời và tối đa các ý kiến, kiến nghị của cử tri; vai trò công tác tuyên truyền để phối kết hợp với các cơ quan, tổ chức, của Nhân dân và cử tri trong việc giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại tố cáo.

Thứ năm: Kinh nghiệm hoạt động của HĐND trong thời kỳ bị tác động bởi tình hình của dịch bệnh Covid - 19. Đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức trong năm 2020, do vậy, tôi rất muốn các đồng chí chia sẻ về kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của HĐND trong thời gian vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì ổn định đời sống của Nhân dân; kinh nghiệm trong việc điều chỉnh các mục tiêu kinh tế xã hội, điều chỉnh ngân sách để bảo đảm việc thực hiện nghị quyết về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 của các địa phương…

Thứ sáu: Liên quan đến việc sắp xếp lại cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND. Nhiệm vụ sắp tới của tất cả chúng ta là phải thiết lập lại cơ quan tham mưu, giúp việc của HĐND và Đoàn ĐBQH theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, tôi đề nghị các đại biểu thẳng thắn chia sẻ, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này trong thời gian tới. Đặc biệt với các đại biểu đã hoạt động trong nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 2004-2011, nhiệm kỳ 2011-2016), khi thực hiện Nghị quyết 545/2007/UBTVQH ngày 12.12.2007 về thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Từ những đánh giá ưu điểm, hạn chế để các cơ quan trung ương có cơ sở tham khảo, nghiên cứu việc kế thừa, sửa đổi và ban hành các quy định về Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn!

KIỀU BẢO lược ghi