“Thỏa thuận thế kỷ” cho hòa bình Trung Đông

Xa rời thực tế

- Thứ Bảy, 11/05/2019, 08:24 - Chia sẻ
Những chi tiết đầu tiên trong dự thảo “thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ về hòa bình Trung Đông vừa được tiết lộ. Đúng với những gì cộng đồng quốc tế quan ngại, các đề xuất gây tranh cãi của Mỹ cho thấy tính bất khả thi và xa rời thực tế.

Đề xuất thiên vị

Báo Israel Hayom bằng tiếng Hebrew ngày 8.5 đã công bố một số nội dung chính của dự thảo kế hoạch hòa bình giữa Israel - Palestine, còn được biết đến là “thỏa thuận thế kỷ” do Mỹ đề xuất. Theo nội dung được trích dẫn từ tài liệu bị rò rỉ của Bộ Ngoại giao Israel, “Thỏa thuận thế kỷ” sẽ được ký kết giữa ba bên gồm Israel, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Phong trào Hồi giáo Hamas.

Theo dự thảo thỏa thuận, Nhà nước Palestine sẽ được gọi là “Palestine Mới”, được thành lập trên vùng đất Bờ Tây và Dải Gaza, hiện bị Israel chiếm đóng, không bao gồm các khu định cư của người Do Thái. Tài liệu dự thảo này không nêu cụ thể cơ cấu chính trị của Palestine mới, song ám chỉ sẽ có các cuộc bầu cử dân chủ diễn ra trong năm đầu hình thành Chính phủ. Mỗi người dân Palestine đều có quyền bỏ phiếu.

Jerusalem sẽ không bị chia cắt, mà thay vào đó, trở thành “thủ đô chung” của Israel và Palestine Mới, trong đó Israel nắm quyền kiểm soát chung. Cụ thể, Jerusalem vẫn sẽ do chính quyền thành phố Jerusalem quản lý về mặt hành chính và đất đai, trong khi Palestine Mới tiếp quản hệ thống giáo dục, thuế. Hiện trạng quản lý các điểm linh thiêng ở Jerusalem sẽ vẫn được giữ nguyên. Những người Palestine ở Jerusalem sẽ được cấp quyền công dân Palestine Mới đầy đủ, trái ngược với hệ thống thường trú hiện nay quy định không còn quyền công dân nếu người Palestine rời khỏi thành phố trong thời gian dài.

Cũng theo thỏa thuận mà Mỹ đề xuất, sẽ xây dựng một cây cầu cao 30m nối Dải Gaza và Bờ Tây, chi phí xây cầu do Trung Quốc hỗ trợ 50%, phần còn lại được chia đều cho Hàn Quốc, Australia, Canada, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tất cả các đường biên giới giữa Dải Gaza và Israel, Ai Cập sẽ được mở để người dân qua lại và lưu thông hàng hóa. Ai Cập sẽ cho Palestine Mới thuê đất để xây sân bay, nhà máy cũng như phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm phục vụ Dải Gaza. Tuy nhiên, người Palestine sẽ không được phép sinh sống trên vùng đất này.

Dự thảo còn bao gồm điều khoản quy định Palestine Mới sẽ không có quân đội, mà chỉ có cảnh sát là lực lượng duy nhất được trang bị vũ khí hạng nhẹ. Cả Palestine Mới và Israel sẽ phải ký kết thỏa thuận quốc phòng, với điều kiện Israel bảo đảm an ninh cho Palestine Mới trước các thế lực khiêu khích bên ngoài. Sau khi thỏa thuận quốc phòng giữa hai bên được ký kết, lực lượng Hamas sẽ trao toàn bộ vũ khí cho Ai Cập. Lãnh đạo của phong trào này sẽ được “bồi thường” và trả lương bởi các quốc gia Ảrập trong khi chính quyền Palestine Mới được thành lập. Bên nào liên quan từ chối ký kết hoặc vi phạm thỏa thuận, Mỹ sẽ hủy mọi hoạt động viện trợ tài chính.

Đây là lần đầu tiên nội dung chi tiết dự thảo kế hoạch hòa bình Trung Đông được công bố. Mặc dù Nhà Trắng chưa xác nhận, song báo Hayom chỉ ra nhiều điểm trong tài liệu có phần tương đồng với các tuyên bố trước đây của Cố vấn về Trung Đông của Tổng thống Trump, Jared Kushner, “tác giả chính” của thỏa thuận. Ông Kushner, người mang dòng dõi Do Thái chính thống, mô tả kế hoạch này sẽ làm thay đổi hoàn toàn mô hình các nỗ lực ngoại giao suốt 3 thập niên qua, nhằm chấm dứt xung đột Israel - Palestine và mang lại hòa bình cho Trung Đông.

Bất khả thi

Tuy nhiên, như cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia quan ngại, các đề xuất trong kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ thể hiện sự thiên vị đối với đồng minh Israel và không công bằng với Palestine. Hàng loạt động thái thời gian qua của Mỹ như: Quyết định di dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv sang Jerusalem; đóng cửa lãnh sự quán ở Đông Jerusalem phụ trách các vấn đề liên quan đến Palestine; ủng hộ hoạt động tái định cư cho người Do Thái trên vùng đất chiếm đóng của người Palestine, công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan... càng khẳng định điều này.

William J. Burns, Chủ tịch Quỹ Carnegie Endowment vì Hòa bình Quốc tế, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Mỹ công bố “thỏa thuận thế kỷ” trong vài tuần sẽ là “điếu văn” đối với giải pháp hai nhà nước, mà bấy lâu nay cộng đồng quốc tế theo đuổi nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine. Theo giải pháp này, hai nhà nước Palestine và Israel chung sống hòa bình, trong phạm vi các đường biên giới được công nhận và bảo đảm. Nhà nước Palestine độc lập với các đường biên giới dựa trên các đường biên giới trước năm 1967 và Thủ đô là Đông Jerusalem.

Đề xuất của Mỹ còn bị đánh giá xa rời thực tế khi không giải quyết những vấn đề mấu chốt trong tranh cãi giữa Israel - Palestine nhiều năm qua, mà chỉ tập trung đưa ra những lời mời hấp dẫn về kinh tế, nhằm thuyết phục người Palestines từ bỏ khát vọng hồi hương và thành lập nhà nước độc lập, hòa bình trên mảnh đất của họ. Ông William J. Burns bình luận trên báo Washington Post, nếu vấn đề chỉ nằm ở tiền thì có lẽ xung đột Israel - Palestine đã được giải quyết từ lâu. Hơn nữa, đề xuất của Mỹ trong “thỏa thuận thế kỷ” đòi hỏi các nước Vùng Vịnh, EU và Trung Quốc chia sẻ kinh phí tài chính khổng lồ là điều khó thành hiện thực.

Trước đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tuyên bố sẽ bác bỏ kế hoạch hòa bình của Mỹ. Tổng Thư ký Ban Chấp hành Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat ngày 10.5 cho biết, “Thỏa thuận thế kỷ” do Mỹ đề xuất chủ yếu là những phán quyết hơn là một thỏa thuận hòa bình có thể đạt được thông qua đàm phán. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov chỉ trích, “Thỏa thuận thế kỷ” của Mỹ sẽ phá hủy tất cả thành tựu đã đạt được liên quan đến xung đột Israel - Palestine.

Ngọc Khánh