Xã hội hóa để rút ngắn thời gian thẩm định, bảo hộ quyền SHTT

- Thứ Bảy, 24/09/2016, 16:20 - Chia sẻ
Cho rằng trong quá trình hội nhập mà quy trình, thủ tục, thời gian tiếp nhận, thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở, Cục SHTT phải mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh tự chủ, tăng cường xã hội hóa, thuê doanh nghiệp tham gia vào một số công đoạn nhằm rút ngắn thời gian thẩm định bằng sáng chế, quyền SHTT.

Mỗi năm xử lý gần 80.000 đơn sở hữu công nghiệp

Hiện nay hệ thống pháp luật về SHTT đã tương đối đầy đủ và đồng bộ làm nền tảng cho các hoạt động SHTT của cá nhân, doanh nghiệp và các chủ thể khác, qua đó đã bảo đảm việc tiếp nhận và cơ bản xử lý một khối lượng lớn đơn sở hữu công nghiệp. Phó cục trưởng Cục SHTT Lê Ngọc Lâm thông tin: Mỗi năm, Cục tiếp nhận đến gần 100.000 đơn các loại và xử lý gần 80.000 đơn các loại mỗi năm. Không những vậy, nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về tài sản trí tuệ ngày càng được nâng cao, giúp cho tài sản trí tuệ trở thành một loại tài sản vô hình có giá trị lớn của doanh nghiệp để thương mại hóa và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong kinh doanh. Qua đó, từng bước hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp trong quản lý, khai thác, sử dụng và phát triển tài sản trí tuệ của mình thông qua Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các hoạt động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và chính các doanh nghiệp.


Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với cán bộ, công chức Phòng Sáng chế 2, Cục SHTT

Ông Lê Ngọc Lâm thẳng thắn cho biết, bên cạnh những thuận lợi, Cục SHTT cũng gặp một số khó khăn trong xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật SHTT, tuy đã rất nỗ lực song vẫn chưa theo kịp nhu cầu của xã hội. Lượng đơn nộp vào Cục SHTT liên tục gia tăng, bản chất đơn ngày càng phức tạp, thời gian tra cứu để thẩm định đơn ngày càng lâu, trong khi đó các điều kiện để phục vụ công tác thẩm định đơn (quy trình, thủ tục, nguồn ngân lực, cơ sở hạ tầng thông tin, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu) chưa được cải thiện trong một thời gian dài dẫn đến việc tồn đọng một lượng đơn không nhỏ.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do quy trình, thủ tục thẩm định đơn chưa được hoàn thiện trong nhiều năm qua, chậm cải cách thủ tục hành chính và đơn giản hóa quy trình trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp; một số quy định chưa được chi tiết, rõ ràng dẫn đến việc chậm trễ, ách tắc trong công tác thẩm định đơn, ví dụ các đơn sáng chế dược phẩm với vấn đề sáng chế dạng sử dụng; cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin như hệ thống quản trị đơn, cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu, trang thiết bị để phục vụ công tác thẩm định đơn sở hữu công nghiệp còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; thiếu nhân lực để xử lý đơn.

Thời gian thẩm định các đơn liên quan đến SHTT chậm đang là một tồn tại chưa có lời giải hiệu quả. Đơn cử, trung bình mỗi tháng, phòng Sáng chế của Cục SHTT chỉ xử lý được khoảng 5 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế và cần tới 40 tháng để xử lý xong 200 hồ sơ hiện có. Đại diện Phòng Sáng chế cho hay, do phí thẩm định theo quy định hiện thấp nên rất khó có thể xã hội hóa một số công đoạn trong quá trình thẩm định nội dung hồ sơ xin cấp bằng sáng chế. Tương tự, do không có kinh phí nên phòng lưu trữ dữ liệu của Cục SHTT lạc hậu, không được đầu tư đầy đủ, bài bản và chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thẩm định, đăng ký quyền SHTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc xã hội hóa được hay không, bên cạnh yếu tố chi phí, thì nhận thức của cơ quan chuyên ngành trong việc đẩy mạnh thuê doanh nghiệp tư nhân tham gia cùng cũng là một vấn đề cần phải giải quyết.

Cải cách thể chế, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực SHTT

Để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực SHTT, Phó cục trưởng Lê Ngọc Lâm cho biết, Cục đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể như tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực SHTT, tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo hộ và thực thi quyền SHTT, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật về SHTT để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng cho nhà đầu tư; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật SHTT đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi tham gia các FTA và Hiệp định TPP, tăng cường hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân.

Tại buổi khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực SHTT mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhất định phải đổi mới cơ chế tài chính, tăng mức phí để thu hút doanh nghiệp tham gia vào một số bước trong thủ tục thẩm định hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cấp bằng sáng chế, quyền SHTT cho doanh nghiệp, người dân. Phó thủ tướng thẳng thắn, thời gian qua, có nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, cá nhân về việc thời gian chờ đợi để được công nhận, cấp chứng nhận quá lâu. Trong thời buổi hội nhập tất cả các mặt, đặc biệt là phát minh sáng chế của Việt Nam là rất thấp so với tỷ lệ người dân, giáo sư, tiến sĩ, doanh nghiệp mà quy trình, thủ tục, thời gian… còn bất cập như vậy là chưa ổn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gợi mở, ngoài đội ngũ thẩm định viên của Cục thì rất nhiều người có trình độ tương đương đang làm việc trong các doanh nghiệp bên ngoài. Một hồ sơ thẩm định dày hàng trăm trang có thể thuê doanh nghiệp đọc và tóm tắt lại hồ sơ, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung đó, trước khi chuyển cho thẩm định viên. Còn xây dựng cơ sở dữ liệu về SHTT thì hoàn toàn có thể nêu đầu bài và thuê dịch vụ của doanh nghiệp công nghệ thông tin. Muốn làm vậy Cục SHTT phải mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, đẩy mạnh tự chủ.

“Suy cho cùng, mong muốn của doanh nghiệp là tốn ít thời gian nhất cho việc thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hộ quyền SHTT chứ chưa hẳn là chi phí. Chúng ta đang ở vị trí trung bình thì phải cố gắng nhiều hơn nữa để là một trong những nước trong ASEAN có thời gian thẩm định cấp bằng sáng chế, quyền SHTT ngắn nhất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tự Cường