Góc nhìn

Xã hội hóa chống ngập

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:42 - Chia sẻ
“Người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập” - là khẳng định của lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh trước thông tin Sở sẽ phối hợp với Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam lập phương án giá dịch vụ chống ngập với mức 3.668 đồng/m2/tháng. Theo lý giải của Sở Xây dựng, đây mới chỉ là phương án đưa ra để có cơ sở kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa vào công tác chống ngập. Đây cũng là căn cứ để đấu thầu, chi trả cho các đơn vị tư nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

TP Hồ Chí Minh đã chính thức bước vào mùa mưa, những cơn mưa chuyển mùa có lượng mưa không lớn, song đã khiến không ít khu vực phải gánh chịu cảnh ngập lụt rất nặng nề… Dù thành phố đã chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư vào các công trình chống ngập nhưng càng chống ngập càng bế tắc, “siêu máy bơm” chống ngập hơn 14 tỷ đồng/năm từng được kỳ vọng cũng chỉ xóa ngập “trên giấy”. Nguyên nhân được Sở Xây dựng đưa ra là do thiếu vốn nên các công trình chống ngập được thực hiện chắp vá, không giải quyết được tận gốc. Nhiều dự án buộc phải triển khai cùng một lúc nhưng ngân sách lại không kham nổi. Rõ ràng, câu chuyện chống ngập tại TP Hồ Chí Minh đang đòi hỏi sự tiếp cận theo hướng hiệu quả hơn.

Người dân đã có thể yên tâm không phải trả tiền cho việc chống ngập, nhưng thực tế, chuyện xã hội hóa chống ngập cũng là điều phải tính tới, ngân sách không thể kham hết được trong khi nhu cầu thì ngày càng cao. Theo báo cáo của Sở Xây dựng: Giai đoạn 2016 - 2018, để hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu đề ra trong chương trình chống ngập, cần kinh phí 73.379 tỷ đồng nhưng tổng tất cả nguồn vốn bao gồm được cấp bằng nguồn ngân sách, hỗ trợ từ Trung ương, cổ phần hóa… chỉ được 26.852 tỷ, còn cần huy động 46.527 tỷ. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, thành phố dự kiến sử dụng 96.527 tỷ đồng để chống ngập nhưng nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm 16.439 tỷ đồng. Nếu xem giải pháp kỹ thuật là phần ngọn, nguồn vốn huy động để chống ngập là phần gốc thì chúng ta cần tạo cơ chế đột phá giải quyết phần gốc trước.

Để huy động sức dân và có nguồn lực chống ngập, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế tài chính đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Có cơ chế “ai góp phần gây ngập sẽ phải trả tiền” để huy động vốn xây dựng hồ điều tiết, cống thoát nước, công trình chống ngập… Nhưng trước khi tính chuyện này, cần sòng phẳng và rạch ròi, không thể đổ hết lên đầu người dân. Đối tượng thuộc diện vận động xã hội hóa là các dự án phát triển nhà ở và khu công nghiệp với nguyên tắc là nhà đầu tư phải chi trả một phần lợi nhuận cho công tác chống ngập chung khu vực dự án. Không thể để nhà đầu tư thu lợi nhuận từ dự án, còn việc chống ngập thành phố phải gánh chịu. Tuy nhiên, để có thể phát huy và nhân rộng cách làm này, bên cạnh nghĩa vụ, cần phải có những quyền lợi cho các nhà đầu tư gắn liền với công trình chống ngập để khuyến khích họ mạnh dạn đầu tư.

Về phía chính quyền, thành phố cần rà soát các công trình đã được cấp phép, đánh giá tác động môi trường và yêu cầu góp chi phí xây dựng công trình chống ngập. Công trình nào chưa xây mà không bảo đảm phương án chống ngập thì tạm ngưng, không cho tiếp tục. Các công trình nhà ở xây dựng mới phải được thiết kế bao gồm cả bể điều tiết nước mưa quy mô hộ gia đình. Thậm chí, thay vì thu tiền người dân thì kinh phí chống ngập nên được chia làm hai phần: một phần dành cho các chương trình chống ngập của thành phố; một phần để hỗ trợ người dân trong việc thích nghi và giảm nhẹ thiệt hại do ngập.

Duy Anh