Vượt qua định kiến để theo đuổi ước mơ

- Thứ Hai, 06/07/2020, 15:48 - Chia sẻ
Với ý chí và nghị lực phi thường, cô gái luôn có nụ cười tươi đã mạnh mẽ vượt qua căn bệnh viêm tủy cắt ngang khiến cô phải ngồi xe lăn suốt đời để trở thành cô thợ may và truyền cảm hứng tới biết bao người khuyết tật và cả những người bình thường khác.

Hành trình xin việc không dễ dàng với một người khuyết tật...

Phạm Thị Thắm (xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa), sinh ra vốn lành lặn khoẻ mạnh nhưng gặp phải biến cố lớn của cuộc đời lúc 9 tuổi của căn bệnh viêm tủy quái ác khiến cô gái bị liệt nửa thân dưới, các bộ phận đều không có cảm giác và từ đó phải làm bạn với chiếc xe lăn.

“Người bình thường còn khó làm được nghề này, huống gì một cô gái tàn tật”. Câu nói không làm Thắm mặc cảm, trái lại chính là động lực để Thắm chứng minh cho người ta thấy mình có thể làm được và làm tốt hơn rất nhiều.

Chân dung Phạm Thị Thắm (xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa)
Chân dung Phạm Thị Thắm (xã Đông Lĩnh, TP Thanh Hóa)

Hiện đang là chủ một cửa hàng may đo, thiết kế thời trang, từng ngày Thắm thổi hồn vào những thiết kế của mình, đặc biệt là tình yêu với những chiếc áo dài. Thắm cho biết, lần đầu tiên khi làm được tà áo dài, cô cảm thấy rất là tự hào vì có thể làm nên một sản phẩm mang cái hồn của Việt Nam. Bằng tay nghề và sự kiên trì, hiện nay Thắm đã có lượng khách hàng ổn định. Khách hàng bắt đầu tin tưởng đặt may những sản phẩm cao cấp hơn như áo dài, váy. Trong cộng đồng thợ may hàng chục ngàn thành viên trên mạng xã hội, Thắm là một thành viên nổi bật vì em là người duy nhất phải ngồi xe lăn. Không ai nghĩ cô gái này có thể may được những chiếc áo dài đẹp như thế. Thắm cho rằng, cô làm được nghề này không phải nhờ vào năng khiếu, mà nhiều nhất vẫn nhờ vào sự chăm chỉ, kiên trì và tình yêu với công việc mà mình làm. Nếu mình yêu nó và tìm thấy mục đích sống của mình ở đó thì mình có thể làm được. Không những vậy, Thắm còn mở lớp dạy may. Ở cơ sở của Thắm, những người khuyết tật khó khăn sẽ được học miễn phí vì cô hiểu một công việc với người khuyết tật là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, Thắm còn lập một kênh Youtube để chia sẻ kinh nghiệm may vá với những người ở xa, không có điều kiện đến trực tiếp.

Để đến được với thành công ngày hôm nay là cả một sự nỗ lực của Thắm. Không thể đi lại được nữa, Thắm bắt đầu định hướng con đường tương lai, làm một nghề gì đó để có thể tự nuôi bản thân. Và cơ duyên đã đưa Thắm đến với nghề may và thiết kế trang phục.

Nhớ lại những ngày tháng khó khăn của cuộc đời mình, Thắm nói, khi còn bé, ăn cơm bệnh viện nhiều hơn cơm nhà và người bạn duy nhất mà Thắm có được chính là con búp bê và những mảnh vải vụn mà những người chị gửi cho. Suốt thời gian nằm viện, Thắm tự cắt những mảnh vải vụn rồi khâu thành những bộ váy của búp bê và ước mơ trở thành cô thợ may cứ thế lớn dần theo năm tháng.

"Từ nhỏ mình đã thích quần áo, thời trang. Suốt ngày mình ngồi may quần áo cho búp bê. Nhưng khi bị bệnh, nghĩ là mình không làm được nghề này. Vì chiếc máy may cần phải đạp chân ga mà chân mình thì không làm được" - Thắm cho biết. Phải mất một tuần để Thắm nghĩ ra cách sử dụng được chiếc máy may. Thắm may bằng cách dùng cùi tay bên phải để nhấn ga và may bằng 10 đầu ngón tay như người bình thường. Thắm mua thêm sách dạy may về tự học, sau khi cảm thấy tự tin ở bản thân mình mới đi xin học việc. Hành trình đi xin việc không dễ dàng gì với một người khuyết tật như Thắm.

May mắn đến với Thắm khi trong một trong một lần kết bạn trên facebook, Thắm quen được một người và đây chính là người thầy dạy may đến tận bây giờ của cô, “trao tặng” cho Thắm một cái nghề để có thể tự kiếm mưu sinh. Thắm chia sẻ: “Nhiều khi người khuyết tật bị xem là bên lề của cuộc sống, bên lề của xã hội.  Mọi người nghĩ người khuyết tật không có khả năng làm được những điều mà người bình thường có thể làm được. Nên khi làm được tà áo dài tôi cảm thấy rất là tự hào vì đôi tay này có thể làm nên một sản phẩm mang cái hồn của Việt Nam”.

Vượt qua định kiến, vượt qua mọi sự từ chối, Thắm đã có thể chạm tay vào ước mơ của mình. Trải qua thấu hiểu và đồng cảm với người khuyết tật khi muốn sống với những đam mê, Thắm quyết định mở lớp dạy may cho mọi người và ở đó người khuyết tật khó khăn, sẽ được học miễn phí. Không chỉ là kỹ thuật may, Thắm còn truyền tới những học viên nguồn năng lượng tích cực. Bên cạnh mở lớp dạy miễn phí, Thắm còn làm các clip trên youtube để dạy mọi người vì có rất nhiều người ở xa không thể đến trực tiếp được nên Thắm đã nghĩ ra cách này để chia sẻ trải nghiệm với mọi người về những cách may vá.

Người truyền cảm hứng tích cực

Trong một lần xem chương trình “Nối trọn yêu thương” trên VTV1, Thắm đã chủ động liên hệ với chương trình để chia sẻ về câu chuyện của mình. Trở thành một mảnh ghép của chương trình, Thắm cho biết: “Mình rất vui khi được trở thành nhân vật của chương trình. Mình là một người thường xuyên xem chương trình, từ số đầu tiên xem chương trình thấy các nhân vật đã cho mình rất nhiều năng lượng tích cực để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.

Cảm kích trước nghị lực của Thắm, bà Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - đã gửi đến cho Thắm một món quà bất ngờ cùng lời nhắn nhủ "Xin chào Thắm, chị rất là vui khi nhận được tin nhắn của em cho chương trình và chị cảm thấy một nguồn năng lượng rất mạnh mẽ từ em. Dù đối diện trước những biến cố, khó khăn trong cuộc sống nhưng em luôn có niềm tin và yêu cuộc sống của mình. Em đã rất sáng tạo, cũng như truyền cảm hứng cho chị và tất cả mọi người. Hy vọng rằng món quà của Tân Hiệp Phát đem đến cho em sẽ là một sự ghi nhận và giúp ích cho em nhiều hơn trong cuộc sống".

Đối với Thắm thì đây thực sự là một món quà rất ý nghĩa. Thắm dự định sẽ dùng món quà của Tân Hiệp Phát trao để phát triển cửa hàng may của mình tốt hơn, cũng như mở lớp dạy may miễn phí cho người khuyết tật và chăm chút cho kênh Youtube sẽ có nhiều video hữu ích hơn.

Việt Anh