Vướng vì thiếu phối hợp liên ngành

- Chủ Nhật, 27/09/2020, 08:12 - Chia sẻ
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 3 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch (Chương trình CRVS) vướng mắc lớn nhất vẫn là thiếu phối hợp liên ngành.

Trách nhiệm chung

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc dịch chuyển dân cư trong nước và quốc tế ngày càng gia tăng, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch ngày càng khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước, xã hội, góp phần bảo đảm ngày một tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc

Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 23.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CRVS, giai đoạn 2017 - 2024 và Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh cho biết, Cục thường xuyên trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương; trả lời 888 công văn hướng dẫn nghiệp vụ; có văn bản trao đổi với các bộ, ngành có liên quan đến các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Bộ Tư pháp cho tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình đăng ký thống kê hộ tịch tại các địa phương. Các Sở Tư pháp cũng chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tình hình đăng ký hộ tịch tại các cơ quan đăng ký hộ tịch cấp huyện, cấp xã…

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cho triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung. Theo đó, Bộ đã xây dựng và phê duyệt đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” từ năm 2015. Đến nay, Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch đã được áp dụng tại 63/63 tỉnh thành, trong đó hơn 40 địa phương đã kết nối Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh/thành phố với Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung để thực hiện liên thông thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi…

Theo Quyết định 101/QĐ-TTg, Tòa án Nhân dân Tối cao được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND các cấp và các bộ liên ngành nâng cao tỷ lệ xác nhận thông tin về việc ly hôn trong sổ hộ tịch. Đại diện TANDTC cho biết, Tòa các cấp đã thực hiện việc thông báo bằng văn bản kèm theo trích lục bản án sơ thẩm, quyết định phúc thẩm có liên quan đến việc thay đổi hộ tịch của cá nhân tới UBND - nơi đã đăng ký hộ tịch của cá nhân đó. Liên quan đến chỉ tiêu giảm tỷ lệ tảo hôn, Ủy ban Dân tộc đã thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020. Ngoài ra, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đều có nhiệm vụ riêng được Quyết định 101/QĐ - TTg giao phù hợp với chức năng nhiệm vụ quản lý của mình. Đơn cử, Bộ Y tế xác định thống kê tỷ lệ đăng ký khai sinh. Theo đó, Bộ Y tế thống kê số liệu trẻ em sống và số liệu tử vong trên cơ sở tổng hợp số liệu từ Sở Y tế các tỉnh, thành phố.

Tập huấn nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, chứng thực trên môi trường điện tử  

Nhưng việc ai, người đó làm

Rõ ràng, quy định tại quyết định về trách nhiệm thực hiện của các bộ, ngành, địa phương là tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy công tác thống kê, công bố số liệu sinh, tử… vẫn còn vênh. Cụ thể, nguồn số liệu sinh tử chỉ có một (sự kiện hộ tịch thực tế), nhưng lại có nhiều cơ quan có trách nhiệm thu thập số liệu thống kê. Mỗi cơ quan lại thống kê theo cách thức khác nhau, chủ yếu phục vụ mục đích quản lý của ngành mình mà chưa có sự phối hợp, chia sẻ dữ liệu. Đặc biệt, nhiều địa phương không lấy được tổng số sinh, tử thực tế từ ngành y tế mà công chức tư pháp - hộ tịch phải trực tiếp thông kê từ các nguồn như: trưởng thôn, bản/Tổ trưởng dân phố… dẫn đến tỷ lệ đăng ký khai sinh, khai tử.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp Nguyễn Công Khanh nêu thực tế, hiện nay các ngành tư pháp, y tế, thống kê, công an đều đã và đang thiết lập cơ sở dữ liệu điện tử của ngành để quản lý dữ liệu nhân thân của dân cư. Chẳng hạn, ngành tư pháp có Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; ngành công an có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ngành y tế có cơ sở dữ liệu của Tổng cục Dân số… nhưng các ngành chưa hoàn thiện được cơ sở dữ liệu của ngành, nếu có hoàn thành thì cũng chưa đồng bộ, chia sẻ, kết nối được giữa các cơ sở dữ liệu này, dẫn đến cơ sở dữ liệu chung chưa đầy đủ, thống nhất, thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Đồng tình với thực trạng này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Đinh Thị Thu Thủy chia sẻ thêm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đến 2024, ngành y tế phải thu thập được 50% nguyên nhân tử vong tại cộng đồng. Thế nhưng đây được xem là thách thức lớn. Trong thông tư quy định về cấp giấy báo tử còn yêu cầu cấp giấy chứng nhận về nguyên nhân tử vong y tế, tuy nhiên Bộ Y tế chỉ thu thập được nguyên nhân tử vong và cấp giấy chứng tử cho những người chết tại cơ sở y tế, còn lại đối với nguyên nhân tử vong liên quan đến thi hành án tử hình hay chết ngoài cộng đồng… lại liên quan đến ủy ban cấp xã, tòa án, Bộ Công an…

Từ chia sẻ của các bộ, ngành cho thấy điều quan trọng quyết định sự thành công của Chương trình trong thời gian tới chính là cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan. Thực tế, với tư cách là cơ quan đầu mối để thực hiện Chương trình, Bộ Tư pháp cũng đã có nhiều công văn đôn đốc triển khai và báo cáo tiến độ thực hiện. Song cũng không hiếm các bộ, ngành không thực hiện đúng tiến độ, hoặc không báo cáo với ngành đầu mối để tổng hợp, thống kê và tháo gỡ khó khăn (nếu có).

Bài và ảnh: Đình Khoa