Việc quyết định các chính sách thuế là do QH

- Thứ Sáu, 12/06/2020, 14:24 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, một số ý kiến cho rằng, cần phải tổng kết thực tiễn và chuẩn bị kỹ hơn, tốt hơn. Những vấn đề gì Chính phủ thấy cần phải sửa, cần phải ghi trong luật thì nên luật hóa cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Nếu sửa đổi 7 điều nhưng có tới 6 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn thì có lẽ không cần thiết phải sửa đổi luật mà để Chính phủ sửa đổi nghị định…

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: QH quyết định, hướng dẫn và điều hành là do Chính phủ
 
Tôi thấy những nội dung mà Chính phủ trình trong thực tiễn đang bức xúc, đặc biệt cần phải tháo gỡ và có chính sách thuế như vậy để bảo đảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ổn định và phát triển. Tuy sửa 7 điều thôi nhưng đây là những chính sách quan trọng, đặc biệt là quyết định chính sách thuế là QH. Đúng là QH quyết định nhưng hướng dẫn và điều hành vẫn phải thông qua Chính phủ bởi vì những việc cụ thể vẫn phải là Chính phủ điều hành. Tôi tư duy thấy nhiều luật chuyên ngành cũng do công tác điều hành nhưng nguyên tắc quyết định những việc đó là QH.

Một số khái niệm mới, tôi có xem lại thì "an ngư" có lẽ ta cứ nói rõ là những chính sách hỗ trợ nghề cá hay đánh bắt hải sản hay cho ngư dân, làm nghề ngư nghiệp cho rõ... Những nội dung khác về nhóm hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, bản thân tôi thống nhất trong dự thảo là bổ sung một số nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế. Những sản phẩm bảo hiểm về con người, nông nghiệp, chính sách đánh bắt hải sản, ngư nghiệp, dịch vụ cho vay tôi thấy cũng có sức thuyết phục. Việc mua, bán nợ, tôi cho để đáp ứng được việc chúng ta sẽ xử lý những vấn đề đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ mà hiện nay chúng ta đang tồn tại, tôi nhất trí. Nhưng riêng kinh doanh ngoại tệ, tôi lại thấy phân vân. Không biết vấn đề kinh doanh ngoại tệ với số lượng lớn mà ghi chung như thế này trong luật thì liệu sau này có đầu cơ tích trữ trong việc này khác không. Tôi thấy phân vân chỗ này.

Về áp dụng thống nhất một mức thuế suất, hiện nay, tình hình kinh tế, mức độ các doanh nghiệp, điều kiện từng vùng, miền và các lĩnh vực và từng ngành, từng lĩnh vực khác nhau. Cho nên, thống nhất là hướng tới tôi thấy nhất trí, nhưng trong thời điểm này chưa áp dụng thống nhất được một mức thuế suất. Nhưng tôi đề nghị việc rà soát về diện hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5% theo hướng phải giải thích thêm.

Về hiệu lực thi hành nếu chuẩn bị kỹ văn bản hướng dẫn, đồng thời với việc thông qua luật tại 2 kỳ họp thì tôi thấy nên tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đó là nên có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2014, như vậy sẽ đồng bộ với các luật khác, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Có tới 6/7 nội dung giao cho Chính phủ quy định, thế thì QH quyết định cái gì?
 
Theo tôi, việc thông qua tại 1 kỳ họp hay 2 kỳ họp phải căn cứ vào nội dung, căn cứ vào sự chuẩn bị. Khi xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh về dự án luật này, tôi nhớ là Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhiều lần yêu cầu phải qua 2 kỳ họp, lúc đó cũng có ý kiến là 1 kỳ họp nhưng Ủy ban Tài chính và Ngân sách kiên trì lập trường đề nghị đây là vấn đề lớn, vấn đề quan trọng nên phải để 2 kỳ họp cho kỹ và phải tính cho hết những vấn đề cần sửa. Do vậy, việc thông qua tại 1 kỳ họp hay 2 kỳ họp phải căn cứ trở lại nội dung này. 5 - 6 điểm này không phải là điểm không quan trọng mà rất quan trọng vì nó liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản công dân, nhiều vấn đề trong này liên quan đến chính sách thuế, liên quan đến đối tượng chịu thuế, liên quan đến mức thuế, liên quan đến nguồn thu của ngân sách. Bây giờ có tới 6/7 nội dung giao cho Chính phủ thế thì QH quyết định cái gì, trong khi đây toàn là các vấn đề lớn. Tôi xin đọc Báo cáo của Ủy ban Tài chính và Ngân sách nêu nhiều vấn đề rất quan trọng ví dụ như doanh thu, điều kiện đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ, dịch vụ cung cấp hàng hóa cho người nước ngoài theo tỷ số phần trăm, cách tính thuế theo phương pháp trực tiếp... Tôi nghĩ từ nay cho đến Kỳ họp thứ Năm, Ban soạn thảo không giải quyết được những vấn đề này thì cũng không đủ điều kiện để trình chứ chưa nói đến chuyện thông qua. Mỗi vấn đề trong này phải định ra, bây giờ đưa vào luật mà cứ một điều quy định là lại theo quy định của Chính phủ, hai điều quy định cũng là theo quy định của Chính phủ thì làm sao chấp nhận được. Ngay trong dự thảo Nghị định trong này, tôi nghĩ Chính phủ sẽ quy định như thế nào nhưng cũng không có…

Tôi đề nghị phải chuẩn bị lại cho cụ thể hơn và tháng 4 nếu kịp thì trình UBTVQH. Nếu UBTVQH thấy đủ điều kiện thì trình ra Kỳ họp thứ Năm, nếu không tôi đề nghị để lại dự án luật này.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Chưa làm rõ được hai ngưỡng chịu thuế
 
Đúng là quan điểm của Ủy ban Tài chính và Ngân sách nêu rất rõ trong Báo cáo thẩm tra là mong muốn luật này sửa đổi một cách toàn diện và sâu sắc hơn và có nhiều vấn đề cũng cần phải được xem xét một cách kỹ lưỡng. Chính vì thế, đề xuất của Ủy ban là thông qua tại 2 kỳ họp.

Vấn đề thứ hai, đúng ra điều mong muốn nhất của Ủy ban Tài chính và Ngân sách là ngay trong Kỳ họp thứ Năm và thứ Sáu phải sửa làm sao cái quan trọng nhất của luật là thực hiện được cải cách thuế trong chương trình từ 2011 – 2020. Chỉ làm đợt này thôi, đến năm 2020 không phải sửa gì nữa. Cái quan trọng nhất là linh hồn của một luật thuế chính là thuế suất, lần này vẫn giữ nguyên 3 mức 0%, 5% và 10%. Trước kỳ họp Chủ tịch QH có làm việc với Ủy ban nói là phải đưa ra một thuế suất, nếu hai thuế suất là bao gồm cả thuế suất 0%. Nhưng cân đi cân lại, Chính phủ thấy nếu để ngay một thuế suất thì sẽ gặp khó khăn. Cho nên lần này sửa có thể tính tới lộ trình từ nay đến 2020 phải trở về một thuế suất không kể thuế suất 0%.

Về các nội dung trong dự án luật lần này sửa đổi, điều rất quan trọng là hai vấn đề Chính phủ chưa làm rõ được là hai ngưỡng. Ngưỡng 400 triệu thì không chịu thuế giá trị gia tăng, căn cứ nào? Ngưỡng 1 tỷ đồng/năm nếu trên ngưỡng này phải thực hiện phương pháp khấu trừ không được sử dụng phương pháp trực tiếp, nếu dưới đó thì sử dụng phương pháp trực tiếp. Cái đó tôi cho là cái quan trọng liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân.

Thứ ba, tôi thấy Chính phủ chưa làm rõ được là nếu phương pháp trực tiếp thì tỷ lệ phần trăm thu trên giá trị gia tăng là bao nhiêu, vì xét cho cùng nó là thuế suất, điều này quy định giao cho Chính phủ. Quan điểm của chúng tôi đề nghị nếu xác định khó khăn, liên quan đến quyền, nghĩa vụ công dân nếu QH thông qua khó khăn thì ít nhất cũng phải UBTVQH. Đó là một cách để xử lý và giải quyết.

Ngoài ra có những vấn đề thuộc về kỹ thuật, vì trước đây là thuế doanh thu, nhưng sang đến Luật Thuế giá trị gia tăng thì phải tính giá trị gia tăng, sau đó mới nhân với thuế suất, phương pháp tính thuế như thế. Nhưng bây giờ quy định dưới 1 tỷ thì lại làm bài toán tính ra giá trị gia tăng sau đó mới nhân với thuế suất, đơn giản ta nhân luôn với doanh thu đó với một tỷ lệ phần trăm, nếu tính hai, ba bài toán thì làm phức tạp tình hình. Quan điểm của chúng tôi là dù một kỳ họp hay hai kỳ họp thì dứt khoát thời điểm thi hành phải là 1 tháng 1 năm 2014 để đồng bộ với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và đồng bộ với năm tài khóa của năm 2014.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Quá trình xây dựng pháp luật phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn
 
Luật này có hiệu lực từ 1/1/2009, tức là đến nay thời gian cũng chưa dài, mới chỉ 3, 4 năm. Tinh thần chung tôi nghĩ rằng trong quá trình xây dựng pháp luật phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn, phát hiện những vấn đề bất cập để sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình phát triển KT - XH. Qua tờ trình của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách chúng tôi không biết vấn đề tổng kết thực tiễn đã kỹ đến mức độ như thế nào để kiến nghị những vấn đề sửa đổi luật. Trong khi đặt vấn đề sửa đổi 7 điều có tới 6 điều giao cho Chính phủ hướng dẫn. Nếu với tinh thần như thế này cũng có ý kiến cho rằng không cần sửa đổi luật nữa mà để Chính phủ sửa đổi nghị định. Vì sửa đổi luật phải sửa cơ bản, cụ thể hóa những vấn đề bất cập ghi nhận vào trong luật, chứ nếu 7 điều mà 6 điều giao cho Chính phủ thì để Chính phủ hướng dẫn luôn bằng nghị định. Tinh thần như thế cũng đỡ việc cho QH. Tôi thống nhất với một số ý kiến, nếu chúng ta chuẩn bị cho tốt thì cần phải tổng kết thực tiễn và chuẩn bị kỹ hơn, tốt hơn. Những vấn đề gì Chính phủ cần phải sửa, cần phải ghi trong luật thì nên luật hóa luôn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Thứ hai, một số từ dùng trong luật như "an ngư", một số vấn đề liên quan đến nhóm hàng hóa, dịch vụ và đối tượng không chịu thuế, nhiều vấn đề chúng tôi đồng ý. Nhưng có một số khái niệm như khái niệm đối với bảo hiểm an ngư, làm luật chúng ta dần dần Việt hóa những từ đó. Dùng "an ngư" tôi thấy khó hiểu, sau khi giải thích không biết sẽ đi đến đâu.
 
Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc: Không nên quy định cứng
 
Về đối tượng, bổ sung thêm đối tượng dịch vụ cho vay, người nộp thuế không phải là tổ chức tín dụng thì loại ra ngoài. Nếu đối tượng không phải là tổ chức tín dụng, chỉ là tư nhân thôi, mà xã hội đang có tình trạng vay nóng, vay ngoài, đây không phải là đối tượng tính vào trong luật được, phải loại ra ngoài. Theo tôi không nên tính vào đây, nếu xác định đấy là một tổ chức được phép hoạt động thì mới tính, nếu không được phép hoạt động, hoạt động phi pháp thì phải bỏ ra ngoài.
 
Về ngưỡng, luật cũ tính ngưỡng theo mức thu nhập của doanh nghiệp theo từng vùng một. Việc đó tôi cho là phù hợp và công bằng vì chúng ta quy định như vậy thì vùng miền núi khác, vùng đồng bằng, vùng trung du khác nhau nên doanh nghiệp vùng đó khác nhau. Bây giờ cào bằng 100 triệu, doanh nghiệp ở miền núi cũng thế, doanh nghiệp ở đồng bằng cũng thế thì chưa phù hợp. Điều này tôi thấy không khác nhau gì cả. Ví dụ, quy định cứng 100 triệu, 5 - 10 năm sau thì 100 triệu có phù hợp không? Không phù hợp. Trong khi đó mức tối thiểu quy định lại khác đi theo tình hình thực tế, theo điều kiện về mức kinh tế khác đi thì mức thu nhập của doanh nghiệp khác đi. Hiện nay quy định như vậy khoảng 96 triệu/1 năm thì đưa lên mức 100 triệu là hợp lý, nhưng 5 - 10 năm sau thì không còn hợp lý nữa. Mức thu nhập bình quân cao lên mà lại quy định cứng 100 triệu thì có hợp lý không. Theo tôi giữ nguyên như cũ thì hợp lý hơn, không nên quy định cứng như thế này và việc sửa điều này không cụ thể lắm. Tôi đọc lý giải của Chính phủ thấy không rõ điều này. Ban soạn thảo nên tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tài chính và Ngân sách, nên có lý giải cụ thể.

Minh Vân lược ghi