Xem - Nghe - Đọc

Vì "tình tận hiến nên tình thiên thu"

- Chủ Nhật, 16/08/2020, 05:20 - Chia sẻ
John Cazale hẳn là đã đi theo để phù hộ Meryl Streep, để bà nối tiếp giấc mơ dang dở của một diễn viên tài năng chưa gặp thời vận.

Hôm 12.8 vừa rồi là ngày sinh nhật lần thứ 85 của John Cazale. Và trên nhiều trang báo lớn của Mỹ, vẫn nhắc tới ông với sự trân trọng và tri ân, dù ông đã qua đời 42 năm.

John Cazale có gì đặc biệt vậy? Quả thực là trước đây tôi không hề để ý đến ông, dù khá ấn tượng với vai diễn của ông trong phim "Bố già". Như bao kẻ cuồng phim khác, tất nhiên, mọi sự quan tâm, yêu thích và thậm chí thần tượng của tôi đổ dồn vào Marlon Brando, vào Al Pacino, vào Robert DeNiro, vào Diane Keaton; hoặc tài kể chuyện, dựng cảnh, hệ thống các biểu tượng và ẩn dụ bậc thầy của đạo diễn Francis Ford Coppola.

Tôi tuyệt nhiên không để ý đến diễn viên đóng Fredo Corleone, đứa con thứ hai của "Bố già" Corleone, vì anh ta đớn hèn, anh ta bất tài vô tướng, anh ta thất bại toàn tập, cho dù cái chết của anh ta ở phần 2 khiến tôi chạnh lòng đôi chút.

Thế nhưng, một lần, tôi tình cờ đọc được trên tờ New York Post một bài báo dài về John Cazale và cuộc tình lãng mạn nhưng bi thảm của ông với Meryl Streep, một huyền thoại sống của điện ảnh Mỹ đương đại. Tất nhiên tôi nhận ra anh chàng đớn hèn bạc nhược Fredo Corleone năm nào, nhưng điều tôi kinh ngạc khi đọc bài báo là cuộc tình cảm động và tận hiến của Meryl Streep dành cho nam diễn viên từng đóng vai phụ trong bộ phim kinh điển đó. Bài báo cũng nói rằng cuộc tình lãng mạn nhưng bi kịch giữa Meryl Streep và John Cazale đã thay đổi bà mãi mãi, với tư cách một con người và một diễn viên. 

Một cảm giác gần như "chấn động tâm can" khi tôi đọc xong bài báo đó, bởi ý nghĩ: Vẫn còn những cuộc tình đẹp và tận hiến đến thế sao, nhất là trong thế giới phù phiếm và phù du như Hollywood?

Từ đó, tôi đã tìm xem lại những bộ phim của John Cazale để hiểu tại sao một biểu tượng về tài năng và nhan sắc như Meryl Streep lại có thể tận hiến vì tình yêu cho ông cho đến những giây phút cuối cùng. Một cuộc đời ngắn ngủi nhưng tuyệt đẹp của một người diễn viên chuyên đóng vai phụ. Và hơn tất cả, là sự tận hiến vì tình yêu trong thời đại mà những cuộc tình đẹp đẽ như thế này gần như đã biến mất, vì sự vị kỷ, vì sự tự tôn hay vì cái tôi quá lớn của mỗi chúng ta trong thời đại ngày nay. 

John Cazale là một diễn viên kỳ lạ và có một sự nghiệp, cuộc đời kỳ lạ không kém. Ông chưa bao giờ được coi là một ngôi sao có sức ảnh hưởng lớn kiểu những đồng nghiệp đương thời mà ông hay đóng chung như Al Pacino, Robert DeNiro hay Meryl Streep, người bạn gái, người tình, người tận hiến vì tình cho ông trong chưa đầy hai năm cuối đời. Nhưng ông có một sự nghiệp mà không có bất kỳ diễn viên nào có được, nếu ta cố tìm ra một nét đặc biệt kiểu "độc nhất vô nhị" trong cuộc đời một diễn viên. 

Cả sự nghiệp, John Cazale chỉ đóng được 5 bộ phim (dài) thì cả 5 đều được đề cử Oscar cho Phim hay nhất (Best Picture). Trong đó, 3 phim thắng giải (The Godfather I & II và The Deer Hunter), 1 phim thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes (The Conversation). Tất cả đều diễn ra trong thập niên 1970, thập niên mà tôi đặc biệt yêu thích của điện ảnh Mỹ. Thập niên thay da đổi thịt và tính cá nhân hóa, hiện đại hóa được thay đổi rõ rệt hơn bao giờ hết. Đó cũng là thập niên xuất hiện nhiều tài năng lớn nhất mà sự nghiệp và di sản của họ vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay và chắc còn lâu nữa. Khó mà xếp John Cazale vào trong nhóm tài năng xuất chúng đó, vì sự nghiệp của ông dừng lại khi tài năng bắt đầu tỏa sáng và cũng có thể ông không có sự may mắn khi được một ngôi sao chiếu mệnh. Nhưng như đã nói, ông giữ kỷ lục mà không kẻ nào phá được. Thậm chí, 12 năm sau cái chết của John Cazale, đạo diễn Coppola, vì muốn tri ân tài năng của ông, đã sử dụng một vài cảnh quay từng thực hiện hồi đầu thập niên 70 để đưa vào một vài cảnh hồi tưởng trong The Godfather III (1990), và phần này tiếp tục được đề cử Oscar cho Best Picture. 

Hãy xem sự đớn hèn của Fredo, kẻ mang trong mình dòng máu của "Bố già" Vito trong một phân cảnh kinh điển của phần I: trong một buổi chiều muộn, khi Vito vừa bước ra khỏi cửa hàng hoa quả để vào xe, nơi cậu con thứ đang chờ thì bất ngờ bị hạ sát bởi họng súng của địch thủ. Trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc ấy, Fredo Corleone lập cập lao ra khỏi xe, run rẩy cầm khẩu súng và hoảng hốt làm rơi nó, rồi... ngồi xổm xuống đường mếu máo khóc, nhìn xác cha mình nằm trên vũng máu. 

Chỉ cảnh đó thôi là đủ để Coppola xây dựng chính xác nhân vật của mình. Nét diễn xuất không thể chính xác hơn của Cazale để mô tả tâm lý của nhân vật, đồng thời cũng quyết định vận mệnh của anh ta sau này. Sang đến phần 2, khi sự bất tài và đớn hèn kéo dài, khi sự ghen ghét và đố kỵ phát tiết, Fredo đã phạm phải một tội lỗi ngu xuẩn tày trời và khiến Bố già đời II, kẻ là em trai mình - phải ra tay quyết định số mệnh của anh mình. Đôi mắt của Fredo trong giây phút định mệnh ấy, khi biết số phận của mình do thằng em định đoạt - buồn không bàn phím nào tả xiết. 

Đạo diễn Coppola, vì ấn tượng với khả năng hóa thân vào một vai nhỏ của John Cazale, đã quyết định xây dựng vai diễn của anh trong phần 2 nhiều đất diễn hơn và chịu số phận bi thảm hơn. Tất nhiên John Cazale đã không làm phụ lòng ông đạo diễn quyền lực bậc nhất lúc đó. Giữa hai phần của Bố già, Coppola còn chọn Cazale cho một vai thứ chính trong The Conversation (1973). Đây cũng là một tác phẩm hình sự tội phạm xuất sắc, nhận 3 đề cử Oscar và giành giải Cành cọ vàng tại Cannes. 

Sau khi hợp tác cùng Coppola trong 3 phim xuất chúng, John Cazale tái hợp với ông bạn thân Al Pacino trong một bộ phim hình sự tội phạm kinh điển khác nữa là Dog Day Afternoon (1975). Phim này cũng do một đạo diễn tài danh của thế hệ trước là Sydney Lumet dàn dựng - kể về một vụ cướp ngân hàng táo bạo. Nhân vật của John Cazale (Sal) lại chết thảm cuối phim. Một bộ phim xuất sắc về thân phận cùng đường của những kẻ dưới đáy.

Sydney Lumet nhớ lại: "Một trong những điều tôi thích khi chọn John Cazale là anh ấy sở hữu một nỗi buồn sâu thẳm. Tôi không biết nó đến từ đâu, tôi không muốn xâm phạm quyền riêng tư của các diễn viên mà tôi làm việc cùng, hay xâm phạm quyền riêng tư của họ. Nhưng Chúa ạ - nó ở đó - trong mọi phân cảnh của anh ta. Và không chỉ trong bộ phim này đâu. Cả trong Bố già II cũng thế". 

***

Bên cạnh những vai diễn phụ, thứ chính (nhưng ấn tượng) của Cazale trên màn ảnh rộng, John Cazale còn là một diễn viên sân khấu tài năng, người luôn được mời trong các vở kịch Off-Broadway khó nhằn và từng cộng diễn với ông bạn thân Al Pacino trong 3 vở kịch (tổng cộng họ đóng chung trong 3 phim và diễn 3 vở trên sân khấu kịch). Al Pacino từng nói: “Tôi đã học được nhiều điều về diễn xuất từ ​​John hơn bất kỳ ai. Tất cả những gì tôi muốn là làm việc với John trong suốt quãng đời diễn xuất còn lại của mình. Anh ấy là bạn diễn ăn ý của tôi".

Mùa hè năm 1976, sau khi Dog Day Afternoon gây tiếng vang lớn và giành 6 đề cử Oscar, John Cazale được mời đóng chính trong vở kịch của Shakespeare: Measure for Measure. Bạn diễn của anh không ai khác chính là Meryl Streep, một cô đào non hơi ngổ ngáo trong thế giới sân khấu ở New York, kẻ từng tốt nghiệp Yale School of Drama.

Ở thời điểm đó, dù đã đóng 4 phim "oách nhất quả đất", Cazale vẫn không phải là một ngôi sao - anh thiếu hẳn những phẩm chất phù phiếm mà người đời hay định danh một ngôi sao (ngoại hình trước đã rồi tài năng tính sau) - nhưng với dân trong nghề, John Cazale được coi là một tài năng hiếm có, chẳng phải các đạo diễn nổi tiếng nhất thời đó đều casting anh ta cho các siêu phẩm của mình hay sao?

Hoặc cũng có thể, vẻ ngoài khác thường của John Cazale, kẻ "lệch chuẩn" với hình mẫu ngôi sao của thập niên 70: gầy, trán cao, mũi kiểu dân Do Thái và đôi mắt đen, buồn, rất buồn. Nàng 29 tuổi, xinh xắn, rạng rỡ, tài năng bắt đầu tỏa sáng; chàng 41, tài năng đã được khẳng định. Và đúng là số trời sắp đặt, "tiếng sét ái tình" nổ ra ngay tắp lự. Nhanh chóng gọn lẹ, nàng bỏ hết theo chàng, về sống chung trong một căn hộ kiểu chuồng cu trên phố Franklin ở New York. Thiên hạ không tin mấy vào cuộc tình quá nhanh và quá nguy hiểm này, vì họ có vẻ khác xa nhau về ngoại hình và cách sống. Meryl Streep kể lại trong hồi ký: "Anh ấy không giống bất kỳ người nào tôi từng gặp. John có một tính cách đặc biệt, nhất là lòng trắc ẩn của anh ấy".

Nhà viết kịch Israel Horovitz kể lại: “Bọn họ trông đáng yêu và ngộ nghĩnh. Kiểu rất đáng yêu theo cách của họ, nhưng cũng thực sự là một cặp đôi kỳ quặc". 

Cả hai trở thành niềm ghen tị của giới sân khấu ở New York - nàng là nữ minh tinh có năng khiếu bẩm sinh nhất trong nhiều thế hệ, chàng là nam tài tử có năng khiếu bẩm sinh nhất - nhưng không được ngôi sao chiếu mệnh trong thế hệ của chàng". 

Nhưng rồi hạnh phúc của họ chẳng được tày gang. Cuối năm 1976, Cazale được mời thử vai cho vở mới Agarmemnon, nhưng anh phải liên tục bỏ các buổi tập diễn bởi sức khỏe xuống dốc nhanh chóng. Tin sét đánh: Cazale đang bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Cả hai cảm giác như thể bị chết đứng ngay tại chỗ. Nhưng Streep, với bản lĩnh của một người phụ nữ mạnh mẽ như chúng ta thấy sau này, nhất định không phải là kẻ chịu khuất phục trước sự tuyệt vọng. Cô mỉm cười, đứng lên và đùa vui để phá vỡ bầu không khí chết chóc: "Nào, chúng ta đi ăn tối ở đâu nhỉ?".

Sau đó, Cazale buộc phải bỏ hết tất cả những dự định dang dở cho phim và kịch để tập trung chữa bệnh. Meryl Streep thì không thể bỏ cuộc vì cô phải lo kinh tế cho cả hai -  từ lúc đó. Khi đóng vở Happy End, các bạn đồng diễn khó nhìn thấy được dấu hiệu lo lắng hay đau buồn của Streep, bởi cô gái trẻ vẫn chuyên nghiệp một cách tốt nhất có thể.

Cả Cazale và Streep đều cố gắng không để lộ sự lo lắng của mình cho người kia và ngược lại. Cazale khẳng định anh sẽ quay lại làm việc với các dự án dang dở. Streep thì không từ bất cứ dự án nào tìm đến mình, để có tiền trả viện phí thuốc thang cho Cazale. 

Năm 1977, dưới sự tác động của Robert DeNiro, cả Meryl Streep và John Cazale đều được mời đóng chung trong The Deer Hunter, bộ phim về đề tài những dư chấn và ám ảnh của những cựu binh từ chiến tranh Việt Nam trở về. Cho dù được đạo diễn Michael Cimino và Robert DeNiro hậu thuẫn, hãng sản xuất bộ phim không chấp nhận một diễn viên mắc bệnh nan y trong đoàn phim, bởi rủi ro quá cao, đặc biệt là chi phí bảo hiểm nếu anh ta có mệnh hệ gì. Đạo diễn Michael Cimino còn bị nhà sản xuất cảnh báo, "hoặc là sa thải John Cazale, hoặc là bộ phim vĩnh viễn không được quay". "Tôi đã dành hàng giờ đồng hồ nói chuyện với bọn họ trong điện thoại, chỉ biết la hét, chửi bới và đấu tranh tới cùng". Trong cuốn hồi ký của Meryl Streep sau này, bà có kể, Robert DeNiro chấp nhận trả chi phí bảo hiểm để có Cazale trong đoàn phim: "Cho dù sức khỏe của Cazale xuống cấp thật, tôi vẫn muốn có anh ấy trong bộ phim".

Họ nỗ lực để vượt qua các cảnh quay trong bộ phim dữ dội, cả về thể xác và tinh thần, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng này. Sau mỗi cảnh diễn, tất cả những gì Streep làm là ở bên để chăm sóc Cazale. 

Ngay sau khi The Deer Hunter kết thúc phần quay, Meryl Streep miễn cưỡng nhận tiếp vai chính trong series truyền hình dài 9 tiếng về đề tài diệt chủng Do Thái có tên là Holocaust - chỉ vì tiền. 

Vì đề tài đặc biệt này, và cũng kinh khủng này, Holocaust được quay ở Áo. Cazale quá yếu để có thể đi theo Streep nên cô đành phải nhờ bạn bè chăm sóc anh để bay sang Áo đóng phim trong suốt hai tháng rưỡi. "Trên trường quay, cô ấy vẫn là hiện thân của sự chuyên nghiệp tuyệt đối, thậm chí vui vẻ để kích thích bạn diễn. Nhưng sau mỗi cảnh quay, cô ấy lặng lẽ và đau đớn". 

Vì đề tài quá đen tối và bối cảnh thay đổi, Meryl Streep thậm chí còn phải ở lại Áo lâu hơn dự tính, trong khi thời gian của người yêu cô đang ít đi từng ngày. "Tôi gần như phát điên trong giai đoạn đó" - Meryl Streep hồi tưởng. Và khi kết thúc cảnh quay cuối cùng, đạo diễn Marvin Chomsky nhớ lại: "Cô ấy thậm chí không kịp để nói lời tạm biệt đoàn phim". Khi Streep quay trở về New York, bệnh tình của Cazale còn tệ hơn những gì mà cô tưởng tượng. 

Trong thời gian 5 tháng sau đó, cặp đôi này dường như biến mất khỏi thế gian để dành thời gian 24/24 cho nhau. Tạm đủ tiền, Streep từ chối mọi lời mời để chăm lo cho Cazale. Căn bệnh ung thư quái ác đã di căn vào xương và Cazale ngày càng yếu đi. Cô đi cùng với anh đến tất cả các cuộc hẹn với bác sĩ, các đợt xạ trị đau đớn thể xác mà không bao giờ mất hy vọng. 

Schulman, người sau này chắp bút cho hồi ký của Meryl Streep, nói: "Cô ấy là một người có ý chí mạnh mẽ, kiên cường và luôn hy vọng. Streep không bao giờ tạo ra kịch tính hay thu hút sự chú ý của công chúng hay truyền thông vào bản thân. Cô ấy chỉ biết cúi đầu, im lặng và lặng lẽ làm những việc cần phải làm."

Al Pacino thì nói: "Khi tôi chứng kiến Streep ở cạnh Cazale trong những ngày cuối đời, không có gì giống như vậy mà tôi từng nhìn thấy cả. Streep luôn thể hiện phẩm chất tuyệt vời và tận tụy nhất trong tất cả những việc mà cô ấy làm. Đó là những gì tôi nghĩ về cô ấy". 

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi nghẹt thở đó, họ ở bên nhau trong từng giây phút và lặng lẽ rút vào trong chiếc tổ kén của riêng mình. "Nó mang lại một sự bảo vệ kỳ lạ" - Streep kể lại. 

Meryl Streep cố gắng để sống trong yên lặng và tâm sự với rất ít người về tình trạng của họ. Trong lá thư mà Streep tâm sự với giáo viên dạy kịch của cô ở trường Yale, cô viết: "Người em yêu bây giờ bị ốm rất nặng và gần như sống toàn thời gian trong bệnh viện. Anh ấy đang nhận được sự chăm sóc tuyệt vời từ mọi người và em cũng luôn tỏ ra giả vờ vui vẻ. Đây thực sự là điều đau khổ về mặt tinh thần hơn bất cứ công việc nào mà em từng làm".

Đầu tháng 3 năm 1978, Cazale được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Streep không bao giờ rời bỏ anh một giây một phút. Nhưng rồi ngày đen tối đó cũng đến. Vào lúc 3 giờ sáng ngày 12.3.1978, bác sĩ của Cazale nói với Streep, "anh ấy đã đi rồi".

Schulman viết trong hồi ký, "Meryl chưa sẵn sàng để nghe, càng không muốn tin vào điều đó.  Điều xảy ra tiếp theo, theo một số người thân của họ chứng kiến, là đỉnh điểm của tất cả sự hy vọng ngoan cường mà Meryl Streep giữ được trong suốt mười tháng trời  bên cạnh Cazale. Cô đập mạnh vào ngực anh, nức nở, và rồi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng kỳ diệu, John mở mắt. 'Không sao đâu, Meryl! Không sao đâu'!", John nói một cách yếu ớt, và rồi mắt nhắm, trôi vào miên viễn. Cuộc gọi đầu tiên của Streep là gọi cho Stephen, anh trai của John Cazale. "Em đã cố gắng hết sức rồi", cô nức nở.

***

Những tháng còn lại của năm đó, Meryl Streep gặt hái những thành công vang dội mà một diễn viên trẻ có được. Cô giành được giải Emmy đầu tiên cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất nhờ mini-series Holocaust. Và đầu năm sau, cô nhận được đề cử Oscar đầu tiên cho The Deer Hunter, cũng bộ phim cuối cùng trong sự nghiệp ngắn ngủi của John Cazale mà anh chưa kịp xem. Meryl Streep tiếp tục đón nhận một cột mốc mới, nhận lời mời đóng vai chính trong Kramer vs. Kramer với Dustin Hoffman, vai diễn mang lại cho cô giải Oscar đầu tiên. 

Meryl Streep thực sự là một tượng đài sống, người lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu mà chắc khó có người theo kịp: nhận được 21 đề cử Oscar và giành được 3 giải cùng vô số giải thưởng khác không đếm hết với đủ mọi dạng vai. Sự thăng hoa và biến hóa ấy, tôi nghĩ phần lớn là nhờ sự tận hiến cho tình yêu của bà ở tuổi trẻ. Cũng có thể là do John Cazale luôn đi theo để phù hộ bà, để bà nối tiếp giấc mơ dang dở của một diễn viên tài năng chưa gặp thời vận. 

Di sản (toàn vai phụ) của John Cazale vẫn được giới nghệ thuật ở Mỹ tri ân đến tận hôm nay. Khi tờ Boston Globe đặt câu hỏi: "Tại sao Cazale lại có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy?". Có rất nhiều câu trả lời được đưa ra, đặc biệt là trong bộ phim tài liệu về John Cazale ra mắt vào năm 2009. Nhưng với Meryl Streep, "diễn viên vĩ đại nhất còn sống", cũng là người hiểu ông nhất, nói: "Đó là một diễn viên có sức ảnh hưởng lớn đến các bạn diễn của anh ấy, những người sau đó được 'thách thức để đưa tài năng của họ lên một tầm cao mới". 

Bảo Khánh