Chính sách và cuộc sống

Vị thế quốc gia

- Thứ Năm, 23/07/2020, 18:00 - Chia sẻ
Việc Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức khẳng định 4 vấn đề hết sức quan trọng. Một là, thể hiện Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế, trực tiếp là thực hiện cam kết của chúng ta trong 2 Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu. Hai là, nâng vị thế chính trị của Việt Nam. Khi chúng ta chính thức gia nhập một Công ước như thế này thì Việt Nam được xếp hạng rất quan trọng trong hệ thống 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ba là, chúng ta đề cao quyền con người. Bốn là, góp phần hạn chế các xung đột xã hội.

Công ước 105 được coi là Công ước “đỏ” nhất trong 8 Công ước “đỏ” của ILO, xét về khía cạnh tiêu chuẩn lao động quốc tế. Vì thế, kể cả khi chưa thông qua Công ước 105 hay Công ước số 29 thì Việt Nam vẫn phải tôn trọng và thực thi Công ước này vì chúng ta đã là thành viên của ILO và phải thực hiện đúng những nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức này. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Chính vì thế, vấn đề này thường được các nước lồng ghép trong các sinh hoạt thương mại. Ví dụ, năm 1996 thì Tổ chức Thương mại thế giới họp tại Singapore, người ta cũng muốn đưa vấn đề này vào các quy định của thương mại và coi như là một trong những hạn chế, có nghĩa là, nếu sử dụng lao động cưỡng bức mà tạo ra lợi thế cạnh tranh thì hàng hóa của quốc gia đó, “hạnh kiểm” của quốc gia đó bị tẩy chay.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu chúng ta vừa thảo luận, tại Điều 13.4, cũng đã quy định các tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương về lao động, trong đó yêu cầu các bên phải tôn trọng các nguyên tắc này. Chính vì thế, tôi rất băn khoăn một vấn đề mà Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại cũng đã chỉ ra, đó là Điều 27.2 và Điều 33.1 của Luật Thi hành án hình sự.

Nghiên cứu vấn đề lao động và tiêu chuẩn lao động quốc tế nhiều năm, tôi cho rằng, năm 1930 khi ILO thông qua Công ước 29 là cho phép các quốc gia được bảo lưu, nhưng 27 năm sau đó, khi phát hiện ra các quốc gia đã lợi dụng vấn đề lao động cưỡng bức để thực hiện cạnh tranh nên Tổ chức này mới thông qua Công ước 105 vào năm 1957. Tức là, các nước đã phê chuẩn Công ước 105 thì không được sử dụng bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức nào. Còn các nước đã ký Công ước 29 là thừa nhận các hình thức lao động cưỡng bức và trong đó có một số ngoại lệ được bảo lưu nhưng ngoại lệ này rất quan trọng, được ghi là phải lao động bằng một quyết định của Tòa án. Thực tế, không phải phạm nhân nào cũng được ghi trong bản án là “lao động là bắt buộc”, tức là, nếu không ghi phạm nhân bắt buộc lao động trong bản án thì không có quyền cưỡng bức phạm nhân lao động. Chúng ta phải hiểu rất rõ chỗ này, không thể nhầm lẫn. Nếu nhầm lẫn, sau này, khi chúng ta phê chuẩn Công ước 105 rồi, người ta vào khảo sát thì sẽ đánh giá “hạnh kiểm” của chúng ta. Tôi lấy ví dụ, trong bản án ghi Nguyễn Văn A bị xử 15 năm tù, 15 năm tù đó không có nghĩa là đi tù là phải lao động. Trong quá trình cải tạo phạm nhân, tôi hoàn toàn nhất trí phương án phải dạy nghề cho họ để sau này khi hết thời hạn cải tạo họ tái hòa nhập với cộng đồng. Dạy nghề đó có một số hình thức lao động nhưng không phải là sản xuất ra sản phẩm để chúng ta đưa ra thương mại. Vấn đề này hết sức quan trọng. Cho nên, nhận thức về vấn đề này theo tôi cần phải có một sự nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đánh giá, cân nhắc, bởi vì đây là một vấn đề liên quan đến vị thế của quốc gia, đến uy tín của quốc gia. Chính vì thế, tôi rất mong muốn Ban soạn thảo xem xét lại chỗ này, cân nhắc lại điểm này. Còn về nguyên tắc, tôi hoàn toàn đồng ý, tán thành việc Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước 105 lần này.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre)
L. Anh ghi