Vì sao lại "vênh"?

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:15 - Chia sẻ
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo với Bộ Giao thông - Vận tải về việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí đối với trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại trạm thu phí Km997 + 639 Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Nam thuộc dự án thành phần 2 đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km987 - Km1027 theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo đó, sau 10 ngày giám sát, từ 17.7 - 27.7, số thu phí vé lượt 10 ngày kiểm tra, giám sát là trên 3,8 tỷ đồng, bình quân trên 385 triệu đồng/1 ngày, tăng 6,76% so với bình quân 1 ngày trong 10 ngày cùng kỳ tháng trước. So với số thu bình quân 1 ngày trong 6 tháng liền kề, từ tháng 12.2017 đến tháng 5.2020, kết quả kiểm tra tăng 16,93%, tương đương khoảng 56 triệu đồng/ngày... Như vậy, thực tế, số tiền thu phí hàng ngày cao hơn so với số đã báo cáo...

Đây không phải là lần đầu tiên, các dự án BOT bị các cơ quan chức năng chỉ ra các sai phạm. Thời điểm cuối tháng 5 vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2019 gửi Quốc hội, trong đó chỉ ra nhiều tồn tại ở 9 dự án BOT trên cả nước. Theo đó, quá trình kiểm toán 9 dự án BOT cho thấy, Bộ Giao thông - Vận tải đã cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án BOT; phê duyệt dự án trước khi có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng không công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư mà hầu hết các dự án đều chỉ định nhà thầu thi công. Đặc biệt, kết quả kiểm toán đã giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/9 dự án với thời gian giảm 56,4 năm so với phương án ban đầu... Trước đó, qua kiểm toán 8 dự án BOT năm 2018, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm thời gian thu phí 16,2 năm đối với 7/8 dự án; từ năm 2017 trở về trước đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án BOT.

Điều dễ nhận thấy là việc kiến nghị giảm thời gian thu phí dường như là "cố hữu" và lặp đi lặp lại nhiều lần. Có khác chăng là trước đây chủ yếu do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và có các kiến nghị thì nay có thêm Tổng cục Đường bộ phát hiện số thu hàng ngày của trạm "có vấn đề". Bình luận về thực trạng này, một số ý kiến cho rằng, qua kiến nghị giảm thời gian thu phí cho thấy việc quyết toán dự án chưa hợp lý, thậm chí không loại trừ khả năng có khuất tất trong quyết định thời gian thu phí của các dự án BOT. Với khoảng thời gian thu phí bị "vênh", nhà đầu tư sẽ được lợi; người dân, doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại xảy ra "vênh" thời gian thu cũng như số thu thực tế hàng ngày khi hợp đồng BOT đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định theo nhiều bước? Rõ ràng ở đây cần làm rõ trách nhiệm của các khâu trong quá trình thực hiện dự án, đặc biệt là quyết toán dự án. Phải xem xét, quy trách nhiệm trong việc quyết toán dự án, bởi nếu số liệu quyết toán không đúng sẽ làm thời gian thu phí dự án tăng. Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức trong khâu này để không xảy ra tình trạng "vênh" thời gian thu phí hoặc số phí thực thu nhiều hơn so với số báo cáo...

Linh Trang