UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Tiếp công dân

Vì lợi ích của nhân dân, tất cả để phục vụ nhân dân

- Thứ Ba, 20/08/2013, 08:26 - Chia sẻ
Dự án Luật Tiếp công dân trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp thứ Hai mươi lần này được các Ủy viên UBTVQH ghi nhận là đã được tiếp thu, chỉnh lý và có bước hoàn thiện so với dự thảo trình QH tại Kỳ họp thứ Năm. Dẫu vậy, với các quy định của dự thảo Luật lần này vẫn chưa khắc phục được triệt để tình trạng người dân khi có đơn thư, kiến nghị phải đi vòng vo từ cơ quan này đến cơ quan khác. Nhiều Ủy viên UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu: xuất phát của Luật này không phải vì QH, không phải vì các cơ quan Nhà nước mà là vì nhân dân, phục vụ nhân dân; phải tạo điều kiện để người dân có thể đưa ra các vấn đề của mình và các cơ quan có trách nhiệm tiếp cận, giải quyết các vấn đề đó một cách có lợi nhất cho người dân.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’Sor Phước: Luật này không phải vì QH hay vì Nhà nước mà trước hết là vì lợi ích của dân, phục vụ dân là chính

Dự án Luật đã tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi thì việc người dân phải đi vòng vèo cũng vẫn còn nhiều, cuối cùng cũng chưa hạ hồi được là đưa luật này vào để làm gì. Xuất phát của Luật là phải vì mục đích phục vụ nhân dân. Luật này không phải vì QH hay vì Nhà nước mà trước hết phải vì lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân là chính. Trong quá trình phục vụ nhân dân thì chúng ta hoàn thiện thêm bộ máy, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước để phục vụ dân tốt hơn. Vì thế, tôi đề nghị, Luật này nên đổi tên là Luật Tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chỉ tập trung vào việc tiếp dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn việc người dân phản ánh thì lúc nào cũng được, không giới hạn. Nhưng riêng khiếu nại, tố cáo thì phải quy định cho minh bạch vì dễ bị xung đột, dễ gây ra những phản cảm. Chúng ta giới hạn ở Luật này là tiếp dân khi dân đến để gặp các cơ quan, các tổ chức có trách nhiệm, các cá nhân có trách nhiệm của Nhà nước để giải quyết những vấn đề khiếu nại, tố cáo của công dân. Hai nội dung đó thôi, không làm nhiều, còn việc người dân kiến nghị, phản ánh để làm cho bộ máy nhà nước của chúng ta tốt hơn, cán bộ chúng ta tốt hơn thì không hạn chế về không gian và thời gian.

Đối với QH, từ Điều 24 cho đến Điều 27 của Chương V, nhất là Điều 24 có 4 mục tôi thấy không đúng tầm của QH. Mặc dù ở các Điều 31, 32, 33 có nói những nội dung hậu tiếp công dân, tức là sau khi tiếp công dân thì có 3 nội dung cần phải làm tiếp. Tôi thấy cái đó là đối với các cơ quan, trụ sở tiếp công dân thôi, còn đối với QH phải làm gì? Tôi đề nghị cụ thể hóa trong Luật này để nói rõ trách nhiệm của QH, trách nhiệm của UBTVQH trong vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Nếu thiết lập một quy trình tiếp dân mang tính chất hành chính, cứng quá thì không biết người dân có lợi hay không?

Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã nỗ lực trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tiếp công dân. Việc kết nối giữa dự luật này và Luật Khiếu nại, Luật tố cáo đã chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, quay trở lại vấn đề quan trọng nhất đối với công việc này, mục tiêu chúng ta hướng tới là làm sao cho người dân có thể đưa ra các vấn đề của mình và các cơ quan tiếp cận vấn đề đó một cách có lợi cho người dân hơn? Nếu thiết lập một quy trình mang tính chất hành chính, cứng quá thì không biết người dân có lợi hay không? Xung quanh một quy trình tiếp dân, điều quan trọng ngoài việc phản ánh kiến nghị thì giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là  trọng điểm. Ví dụ, bây giờ đưa các cuộc tiếp xúc cử tri ra khỏi việc tiếp công dân cũng phải cân nhắc lại, bởi vì một là, trong các cuộc tiếp xúc cử tri là cơ bản người dân người ta phản ánh kiến nghị những vấn đề liên quan đến chính sách pháp luật; hai là người ta đưa đơn rất nhiều để khiếu nại, thậm chí có những đơn tố cáo về những vấn đề liên quan đến cuộc sống. Vậy đây có được xem là một quy trình trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy trình tiếp công dân hay không? Thực tiễn cuộc sống đang đặt ra như thế. Các cuộc tiếp xúc cử tri là nơi mình gần người dân nhất, người dân từ xã đi lên địa điểm tiếp xúc cử tri để đưa lá đơn thay vì  phải tới trụ sở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương. Cần nhìn vào thực tiễn cuộc sống để cân nhắc thêm. Ở đây có quy định một điều liên quan đến tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH nhưng cũng không riêng ĐBQH, nhiều cơ quan khác, nhiều người có thẩm quyền khác trong cơ quan nhà nước có thể tiếp công dân theo cách thức sinh động, mềm mại, uyển chuyển hơn mà người dân cảm thấy gần gũi và giải quyết được những vấn đề của người ta. Quy trình cũng chỉ là kỹ thuật, cũng chỉ là phương tiện. Quan trọng nhất là người dân được giải quyết những vấn đề gì trong số những vấn đề mà người ta mong muốn, người ta mang đến các cơ quan.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Mở rộng cơ chế dân chủ theo hướng tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tiếp thu ý kiến của dân và đối thoại với dân

Dự thảo Luật lần này đã có bước hoàn thiện. Các nguyên tắc tiếp công dân thể hiện trong dự thảo cơ bản đã rõ, đúng với mục đích của chúng ta là việc tiếp công dân là một trong những trách nhiệm của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể, trách nhiệm của những người đại diện cho dân thì phải có trách nhiệm tiếp dân và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân với Đảng, với Nhà nước và giải quyết, giám sát việc giải quyết những mong muốn, kiến nghị đó của người dân.

Tuy nhiên, khi đọc đến Chương V, tôi rất phân vân. Điều 24 quy định về tiếp công dân của các cơ quan của QH. Điều 25 quy định về tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, Hội đồng nhân dân. Điều 26, Điều 27 quy định là UBTVQH quy định chi tiết. Quy định như vậy thì có trái gì với Luật Tổ chức QH hay không? Bởi vì tất cả những việc này trong Luật Tổ chức QH đã ghi và tự thân nó là hoạt động của QH, ĐBQH, các Đoàn ĐBQH. Luật Tổ chức HĐND và UBND cũng đã ghi, tự thân HĐND, đại biểu HĐND phải làm những việc đó rồi. Bây giờ tự nhiên lại ghi vào dự thảo Luật Tiếp công dân, mà ghi cũng bập bà bập bõm, không rõ, không hết việc thì có khi không ghi còn hay hơn. Pháp luật phải thống nhất. Cho nên tôi đề nghị cân nhắc có ghi Chương V này không? Từ lần trước chưa có quy định này nhưng sửa đi, sửa lại hôm nay lại có mà quy định như vậy lại hở.

Về trách nhiệm của UBTVQH, dự thảo Luật ghi UBTVQH quy định rõ nhiệm vụ tiếp công dân của các cơ quan của QH. Nghe ra chỗ này lại không ổn, nó ngược. Nếu UBTVQH mà quy định rõ thì phải ghi bằng pháp lệnh, bằng nghị quyết. Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý có trao đổi là UBTVQH quy định rõ bằng hình thức ban hành một nghị quyết, nhưng đã quy định rõ thì phải bằng pháp lệnh. UBTVQH lại ghi ra một pháp lệnh riêng để tiếp công dân của QH thì có đúng không? Việc này tự thân QH đã có, các cơ quan của QH đã có, từ lúc có QH thì đã có việc tiếp công dân rồi. Trong khi đó, trong số các nhiệm vụ của UBTVQH thì có quyền giải thích và hướng dẫn luật, pháp lệnh, Hiến pháp và pháp luật mà nhiệm vụ hướng dẫn rất quan trọng. Ngoài ra UBTVQH còn có quyền giám sát mà bây giờ những việc này của các cơ quan hành chính đang ổn định, đang làm tuần tự như tiến rồi, tự nhiên lại đi quy định như dự thảo Luật cũng có gì đó không ổn lắm. Nên tính toán lại chỗ này xem quy định như thế nào cho rõ và khả thi. Tôi cho rằng, trách nhiệm của UBTVQH chính là giao và ghi rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân nguyện, trong đó có công tác tiếp dân. Giao cho Ban Dân nguyện làm cơ quan thường trực và cơ quan chịu trách nhiệm tiếp dân, điều hòa, giải quyết những vấn đề tham mưu cho UBTVQH về vấn đề dân nguyện sẽ tạo sự thống nhất và cũng phù hợp với điều kiện hiện nay. Vì thế, Chương V, theo tôi nên ghi rõ là UBTVQH rà soát trách nhiệm của Ban Dân nguyện, nêu rõ những việc của Ban Dân nguyện thì sẽ phù hợp mà đúng vị thế của Ban Dân nguyện, nâng tầm của Ban Dân nguyện, thậm chí tạo địa vị pháp lý cho Ban Dân nguyện, sau này là Ủy ban Dân nguyện chẳng hạn. Quy định như thế sẽ đúng với tính chất của công tác dân nguyện, công tác tiếp dân là mở rộng cơ chế dân chủ theo hướng tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, tiếp thu ý kiến của dân và đối thoại với dân. Nếu ghi như dự thảo Luật thì dễ dẫn đến cách hiểu rằng, Đoàn ĐBQH có tất cả hệ thống dọc, có trụ sở tiếp công dân. Thế thì làm sao có điều kiện thực hiện được?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Trụ sở tiếp công dân theo Luật này phải theo cơ chế một cửa: là nơi tiếp dân và trả lời cho dân thì mới hết cảnh người dân phải đi vòng từ cơ quan này đến cơ quan khác

Điều tôi quan tâm là, việc tổ chức tiếp công dân như dự thảo Luật thì có giải quyết được tình hình khiếu nại, phản ánh, tố cáo của nhân dân vòng vo hết từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới, từ cơ quan này sang cơ quan khác hay không? Tính khả thi của nó theo như khái niệm này và theo giải trình của Ủy ban Pháp luật thì đây chỉ là cách thức của cán bộ công chức, viên chức nhà nước tổ chức để tiếp công dân, nhận các đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân xong rồi chuyển đi nơi khác. Vậy chuyển đi đâu? Sau khi chuyển xong thì giải quyết theo luật nào? Chắc chắn việc người dân đi vòng từ chỗ này sang chỗ kia thì việc tiếp dân cũng chưa giải quyết được. Có đi phải có về, có hỏi phải có trả lời chứ nếu có đi không có về thì rất khó khăn. Người dân hiện nay, ngay bản thân chúng ta khi chuyển đơn thì tỷ lệ trả lời cũng rất ít. Luật này không quy định thì cuối cùng dân bắt đầu chuyển đơn xong lại đi đến cơ quan khác, cơ quan đấy cũng không biết đi đâu, người dân đến hỏi lại bảo chờ hoặc cuối cùng lên đến Trung ương thì Trung ương lại làm phiếu đóng dấu gửi trả về bảo đây là thẩm quyền của tỉnh.

Theo tôi để giải quyết việc đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân cứ bị vòng vo hết cấp này sang cấp kia, hết cơ quan này sang cơ quan kia thì về mặt tiếp dân là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của hệ thống chính trị. Còn người dân đến để phản ánh tại nơi tiếp dân thì đó là quyền của người dân. Phải khẳng định như thế. Quyền người dân đến hỏi Nhà nước thì Nhà nước phải trả lời, cho nên trụ sở tiếp công dân ở Luật này nếu muốn độc lập so với Luật Khiếu nại, tố cáo không phải để tiếp nối Luật Khiếu nại, tố cáo thì đây phải là nơi trả lời cho dân. Trụ sở tiếp công dân này, chúng ta phải đưa ra cơ chế một cửa để tiếp dân, trả lời dân thì mới độc lập với Luật Khiếu nại, tố cáo. Nếu không quy định như vậy thì việc tiếp công dân theo Luật này cũng chỉ là một quy trình của Luật Khiếu nại, tố cáo, chỉ là một văn bản hướng dẫn để tiến tới Luật Khiếu nại, tố cáo thì không cần. Đề nghị, Văn phòng tiếp dân ở Trung ương yêu cầu cơ quan của bộ, ngành, trung ương phải trả lời ý kiến của dân khi đến trụ sở tiếp công dân nhận ý kiến. Ở tỉnh thì cái gì thuộc thẩm quyền của tỉnh thì tỉnh phải đến văn phòng tiếp dân rồi trả lời cho dân ngay tại đó thì mới hết vòng vo tam quốc được. Nếu không, dân đi hết chỗ này sang chỗ kia như vừa rồi chúng ta không giải quyết được. Để bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi và giải quyết được những vấn đề bức xúc hiện nay thì phải quy định rõ chức năng của các cơ quan văn phòng này. Việc dân hỏi, dân khiếu nại thì đây phải là nơi đi, đồng thời phải là nơi đến cho dân.

Việc tiếp công dân của QH, các cơ quan QH và Đoàn ĐBQH, không nên có một trụ sở tiếp công dân của QH chung chung. Quy định như vậy lại trở thành hai hệ thống tiếp công dân thì không hay. Chúng ta nghiên cứu các luật có liên quan đến QH thì chỉ tổ chức một văn phòng tiếp công dân do Ban Dân nguyện đứng ra tổ chức để thực hiện nhiệm vụ cho QH, bởi vì đây là một Ban của UBTVQH, tới đây có thể nâng cấp thành Ủy ban của QH chẳng hạn, thì cơ quan này là cơ quan thay mặt cho QH thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân là phù hợp.

Nguyễn Vũ ghi