Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 6 tháng đầu năm

Vẫn rất ì ạch

- Thứ Ba, 06/08/2019, 08:14 - Chia sẻ
Tại cuộc họp báo chuyên đề về “Kết quả thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) 6 tháng đầu năm 2019 và nội dung cơ bản chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần” tổ chức chiều 5.8, Bộ Tài chính xác nhận, lũy kế đến hết quý II, mới có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo Công văn 991/TTg - ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, chưa đạt kế hoạch đề ra.

Mới đạt 28% kế hoạch

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với hơn 2,5 triệu lao động. Song, đến năm 2018, mới cổ phần hóa được trên 50 đơn vị. Theo dự thảo Nghị định chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính đề xuất 9 chính sách lớn, như: Đối tượng chuyển đổi thành công ty cổ phần là những đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thuộc UBND cấp tỉnh; thuộc doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ... Điều kiện chuyển đổi là tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm chuyển đổi; còn vốn nhà nước sau khi đã xử lý tài chính và xác định lại giá trị; thuộc danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đổi do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ…

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến thừa nhận, đến thời điểm này, “cơ chế chúng tôi đã lo xong, đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp” song việc tổ chức thực hiện cổ phần hóa “vẫn còn chậm”.

Cụ thể, trong năm 2019, theo Công văn số 991/TTg - ĐMDN ngày 10.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ (Công văn 991) phải cổ phần hóa được 18 doanh nghiệp. Tuy nhiên, tính đến hết quý II vừa qua, mới chỉ có 6 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp thuộc danh mục các doanh nghiệp cổ phần hóa theo Công văn 991! Lũy kế đến hết quý II, có 35/127 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục phải cổ phần hóa theo Công văn 991. Như vậy, tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp chưa đạt được kế hoạch đề ra, số lượng doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa là 92/127 doanh nghiệp, chiếm 72% kế hoạch.

Liên quan thoái vốn, trong năm nay, mục tiêu phải thoái vốn tại 62 doanh nghiệp theo Quyết định 1232/QĐ - TTg ngày 17.8.2017. Song, tính đến hết quý II, mới chỉ có 9 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn với giá trị 759 tỷ đồng, thu về 1.657 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2017 đến hết quý II năm nay, đã thoái vốn nhà nước tại 88 đơn vị với giá trị hơn 4.500 tỷ đồng, thu về hơn 8.700 tỷ đồng…

Mặc dù tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn chậm, song theo ông Đặng Quyết Tiến, chất lượng bảo đảm hơn khi tất cả phương án cổ phần hóa đều tiến hành đúng quy định, chặt chẽ, công khai, minh bạch, đặc biệt liên quan sử dụng đất đai được rà soát kỹ. Việc thoái vốn tập trung thực hiện theo đúng cơ chế thị trường, gắn với việc tiến hành đấu giá công khai, nếu không thành công thì mới chào bán cạnh tranh, không thành công nữa thì mới thỏa thuận…


Toàn cảnh họp báo Ảnh: Đan Thanh

Lý giải việc cổ phần hóa, thoái vốn vẫn chậm, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, lý do trước tiên bởi một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Thêm vào đó, quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Một nguyên nhân nữa là việc chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp. Chẳng hạn, Tổng công ty Thép Việt Nam được cổ phần hóa từ tháng 10.2011, song đến giờ chưa quyết toán xong. Hay tại Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam chậm quyết toán, khi Bộ Công thương tiến hành thanh tra, kiểm tra phát hiện một loạt sai phạm… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chậm đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán làm ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch của thị trường…

Sẽ rà soát doanh nghiệp chậm quyết toán

Trong thời gian tới, để thúc đẩy công tác cơ cấu lại DNNN, Bộ Tài chính cho rằng, trước tiên, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN theo Nghị quyết số 12 - NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII, Nghị quyết số 60/NQ - QH14 của Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý về tổ chức quản lý và hoạt động của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo, phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Song song với đó, thủ trưởng, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm đôn đốc các tập đoàn, tổng công ty, DNNN triển khai thực hiện phương án cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại đã được phê duyệt. Đối với các DNNN thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Đặc biệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện việc đăng ký, giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa và chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, đề nghị thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa, xác định số phải nộp/ tạm nộp và thực hiện nộp về Quỹ theo quy định, trường hợp không bảo đảm thời gian thì phải báo cáo Thủ tướng giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Nhấn mạnh về tính quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cho rằng điều này đóng vai trò rất quan  trọng. Bởi lẽ, theo ông, kế hoạch đã đưa ra rồi có thể không đạt nhưng ít nhất phải bảo đảm thực hiện được 50%. Muốn vậy, chỉ có cách phải quyết liệt và gắn trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, ông xác nhận, tới đây, Bộ Tài chính sẽ rà soát những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chậm quyết toán, những đơn vị không có báo cáo đầy đủ nguyên nhân không niêm yết sẽ bị xử lý để không ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp khác.

Đan Thanh