Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND cấp tỉnh: Độc lập hay sáp nhập?

- Thứ Tư, 17/06/2020, 10:27 - Chia sẻ

 Tinh gọn, thống nhất chung trên toàn quốc

Nếu giữ nguyên 3 Văn phòng như hiện nay, cần rà soát, xem xét, thống nhất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, biên chế của mỗi Văn phòng. Đặc biệt là quy định biên chế các phòng chức năng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sự thống nhất chung trên phạm vi toàn quốc để tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.

 

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 14 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh tại một số tỉnh, thành. Qua đánh giá tổng kết, ý kiến phát biểu của đại biểu tại các Hội nghị trao đổi kinh nghiệm HĐND và trên cơ sở thực tế còn có những quan điểm trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng, nên giữ nguyên 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh như hiện nay vì nhiều lý giải khác nhau.

Thứ nhất, giữ nguyên 3 Văn phòng như hiện nay sẽ tạo điều kiện cho các Văn phòng chủ động trong thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giúp việc theo từng lĩnh vực đã được quy định về chức năng, nhiệm vụ riêng biệt của từng Văn phòng phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Việc giữ nguyên 3 Văn phòng như hiện nay sẽ vẫn phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nếu Chính phủ có các quy định thống nhất cụ thể, triệt để hơn nữa về cơ cấu tổ chức, biên chế theo hướng tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, có sự đồng nhất giữa các tỉnh về quy định số lượng tối thiểu và tối đa biên chế phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Hiện nay qua trao đổi, học tập kinh nghiệm công tác giữa nhiều tỉnh trên phạm vi toàn quốc, tôi thấy ít nhất về biên chế Văn phòng HĐND các tỉnh có sự chệnh lệch khá lớn về số lượng. Điều 5, Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 của Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu và biên chế của Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có quy định: “Biên chế công chức của Văn phòng HĐND cấp tỉnh được giao trên cơ sở vị trí việc làm gắn với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động do HĐND cấp tỉnh quyết định và Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao trong tổng biên chế công chức của địa phương được cơ quan có thẩm quyền giao”. Vì văn bản quy định tính tự chủ cho HĐND các địa phương quyết định về biên chế của Văn phòng HĐND cấp tỉnh nên chưa có sự thống nhất giữa các địa phương.

Trong khi đó, Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22.12.2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có quy định rõ về số biên chế tối thiểu, tối đa phù hợp với từng Đoàn ĐBQH. Qua thực tế thực hiện Nghị định số 48/2016/NĐ-CP được quy định cụ thể Văn phòng HĐND cấp tỉnh gồm có 2 phòng: Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị và phòng Tổng hợp, xong giữa các tỉnh, thành chưa có sự thống nhất trong thực hiện. Trong khi đó, vị trí việc làm trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng HĐND các tỉnh có sự tương đồng khá lớn; nếu có khác biệt chỉ là tăng số đại biểu được phân bổ theo dân số.  

Thứ ba, mục tiêu của việc sáp nhập 3 văn phòng hoặc 2 Văn phòng (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh) nhằm tinh giản đầu mối, tránh cồng kềnh. Thực tế nếu giả thiết thực hiện sáp nhập giữa 2 Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh mà mỗi địa phương vẫn giữ nguyên biên chế, cách làm như hiện nay thì sẽ rất khó có sự thống nhất chung giữa các tỉnh.

Thứ tư: Nếu giữ nguyên 3 Văn phòng như hiện nay theo tôi và nhiều ý kiến cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần rà soát, xem xét, thống nhất bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, biên chế của mỗi Văn phòng. Đặc biệt là quy định biên chế các phòng chức năng theo hướng tinh gọn, hiệu quả, có sự thống nhất chung trên phạm vi toàn quốc để thực hiện tỉnh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trong đó, quan tâm đẩy mạnh việc luân chuyển, tuyển chọn cán bộ giữa cơ quan Văn phòng với các cơ quan trực thuộc UBND, cơ quan Đảng, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể để lựa chọn được đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm, năng lực công tác đáp ứng tính năng động tại các vị trí việc làm; tăng cường tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, bảo đảm một người có thực hiện được nhiều việc, nhiều bộ phận khác nhau, để xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu tham mưu, phục vụ chung cho các Văn phòng theo mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Văn phòng đầu mối tham mưu cho Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, Thường trực UBND điều hành, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ theo phân cấp, phân quyền.

 

 

Hà Thị Thiệp, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Lào Cai