Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục:

Vận dụng sáng tạo để đổi mới giáo dục Việt Nam

- Thứ Ba, 19/05/2020, 20:23 - Chia sẻ
PGS,TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, để quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay đi đến thành công, đúng định hướng, đòi hỏi chúng ta phải tuân theo những chỉ dẫn và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục.

Vẹn nguyên giá trị và tính thời sự

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng là thầy giáo. Hiểu rõ ý nghĩa sâu xa và vai trò to lớn của tri thức, trong thông điệp của Người ngay tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3.9.1945 là “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ. Hàng loạt sắc lệnh liên quan tới giáo dục được Hồ Chí Minh ký như Sắc lệnh về việc thành lập Nha bình dân học vụ (6.9.1945); Sắc lệnh về việc thiết lập một Quỹ tự trị cho Trường Đại học Việt Nam (10.10.1945); Sắc lệnh về việc thành lập Hội đồng Cố vấn học chính (10.10.1945); Sắc lệnh về việc thiết lập một Ban đại học Văn khoa tại Hà Nội (10.10.1945);..Sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cùng với việc ra đời của nhiều Bộ, Bộ Giáo dục cũng được thành lập.

Năm 1955, kỷ niệm 10 năm Bình dân học vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một thông điệp: “Dốt thì dại, dại thì hèn”. Vì vậy, để thanh toán nạn mù chữ, các nội dung giáo dục được xây dựng rất phù hợp lứa tuổi, các cấp học, góp phần giải quyết nhiệm vụ của từng giai đoạn lịch sử. Nội dung toàn diện về văn hóa, trí dục, đức dục, mĩ dục, thể dục. Về nguyên lý giáo dục, Hồ Chí Minh cho rằng “học đi đôi với hành”, kết hợp giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội.

Theo PGS,TS Bùi Đình Phong, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục hình thành cách đây một thế kỷ. Đó là tư tưởng mang đậm giá trị truyền thống - hiện đại - phổ quát, chứa đựng bản chất khoa học - cách mạng - nhân văn, luôn hướng tới tương lai. Tư tưởng đó được phát triển bằng tấm gương sáng về giáo dục, nên có giá trị trường tồn, vẹn nguyên tính thời sự, soi sáng cho sự nghiệp giáo dục hiện nay.

Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nhắc nhở người khác về phương pháp và tinh thần học tập suốt đời, mà còn đồng thời là tấm gương tự học của bản thân, dù đã 71 tuổi, ngày nào Bác cũng phải học. PGS,TS Nguyễn Xuân Trung, Học viện Báo chí và Tuyền cho rằng, Triết lý giáo dục cho thế kỷ XXI của UNESCO đến năm 1996 mới đề ra khẩu hiệu “học suốt đời”. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm “học suốt đời” sớm hơn UNESCO 35 năm. So sánh như vậy để thấy, nhiều nội dung trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh vẫn đang rất cập nhật, hiện đại và còn nguyên giá trị và tính thời sự.



Toàn cảnh hội thảo "Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục" diễn ra sáng 19.5

Vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Từ những tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục, các ý kiến tại Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp giáo dục sáng 19.5 một lần nữa khẳng định: Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần được đẩy mạnh, lan tỏa hơn nữa trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, trong tư tưởng, cũng như trong thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nội dung giáo dục không chỉ có kiến thức văn hóa, mà quan trọng hàng đầu là giáo dục đạo đức, nhân cách, tình cảm, lối sống, nhằm tạo ra những con người vừa có tài, vừa có đức, những con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, hội đủ các phẩm chất nhân, trí, lễ, nghĩa, tín, dũng, liêm, chính...Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Người đánh giá cao sứ mệnh của người thầy: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh...”.

Thực hiện lời căn dặn của Bác, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đối với công tác giáo dục. Trong những năm qua, ngành giáo dục nước ta đã đạt nhiều thành tựu to lớn được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục. Đó cũng chính là mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi Người đi xa. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, ngành giáo dục sẽ khuyến khích mỗi một cán bộ, giáo viên ý thức hơn nữa về trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ không chỉ về tri thức mà còn về đạo đức cách mạng; tăng cường trách nhiệm của thầy cô giáo với người học, dẫn dắt học sinh, sinh viên trong học tập và rèn luyện. Đồng thời nêu cao ý thức và trách nhiệm cho học sinh, sinh viên học tập là phải học theo phương pháp của Bác Hồ: Học để làm, học sách vở gắn liền với thực tiễn. Đặc biệt trong thời đại công nghiệp phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có những con người thật sự giỏi, thật sự năng động và sáng tạo.

Đồng quan điểm, PGS,TS Lưu Văn An, Phó Giám đốc phụ trách Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, trong bối cảnh khoa học – công nghệ đang phát triển như vũ bão, quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin... Thực tiễn đang đòi hỏi nền giáo dục Việt Nam hiện nay phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Để quá trình đổi mới giáo dục Việt Nam hiện nay đi đến thành công, đúng định hướng, đòi hỏi chúng ta phải tuân theo những chỉ dẫn và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Hồ Chí Minh về giáo dục. 

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết: Hội thảo là dịp để bày tỏ lòng tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là cơ hội để đánh giá tầm vóc, ý nghĩa to lớn của tư tưởng và những cống hiến của Người đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Trên tinh thần đó, Ban tổ chức đề nghị các nhà khoa học tập trung đi sâu, làm rõ những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, triết lý của Hồ Chí Minh về giáo dục; sự vận dụng, phát triển tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục Việt Nam qua các giai đoạn khác nhau… Cùng với đó là vai trò, ý nghĩa của tư tưởng, triết lý giáo dục Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới giáo dục hiện nay; những thành tựu nổi bật của nền giáo dục Việt Nam trong quá trình vận dụng, thực hiện tư tưởng, chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về giáo dục.​

Minh Vân