Vẫn còn tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng

- Chủ Nhật, 20/09/2020, 08:17 - Chia sẻ
Trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Ủy ban Tư pháp chỉ ra một thực tế đáng buồn, đó là vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước chuyển rất tích cực, được nhân dân đánh giá cao. Nhiều đối tượng trong các vụ án tham nhũng từng nắm giữ những vị trí quan trọng nhưng chỉ vì sự buông lỏng quản lý, vì những lợi ích cá nhân đã phải chịu bản án hình sự nghiêm khắc. Thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhận định, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, sát sao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng “làm rõ đến đâu, xử lý đến đó” như: Vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); vụ án xảy ra tại Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an tiến hành khởi tố mới 6 vụ/11 bị can, kết luận điều tra và đề nghị truy tố 4 vụ/37 bị can, đã thu hồi trên 9.594 tỷ đồng. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Các tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt tù chung thân 2 bị cáo; xử phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm đối với 22 bị cáo; tù từ trên 7 năm đến 15 năm đối với 65 bị cáo; tù từ 3 năm đến 7 năm đối với 100 bị cáo; tù từ 3 năm trở xuống 321 bị cáo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng. Trong đó, vụ nhận hối lộ xảy ra tại Công an huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, đối tượng là đại úy công an được đơn vị phân công điều tra một vụ tai nạn giao thông chết người xảy ra trên địa bàn huyện nhưng người này đã nhận 15 triệu đồng của đương sự trong một vụ án với lời hứa hẹn là tòa sẽ xử án treo. Hay vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TAND quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội…

Dù đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Tình trạng tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không phải là vấn đề mới. Tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đó đã thẳng thắn đặt vấn đề: Có tham nhũng trong lực lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng không? Ở nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, vấn đề này vẫn tiếp tục được đặt ra. Trong Kỳ họp thứ Tám, trình bày Báo cáo thẩm tra công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, năm 2019, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.

Không thể phủ nhận những điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta thời gian qua. Nhưng đáng tiếc là, những “con sâu làm rầu nồi canh” lại là một mảng tối trong đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng. Trước diễn đàn Quốc hội, nhận định về tham nhũng trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, đây là vấn đề mà Ủy ban Tư pháp đã nêu trong nhiều năm nhưng tình hình không chuyển biến, thậm chí chuyển biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng theo từng năm. Theo đại biểu, đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của cử tri và nhân dân vào lực lượng được giao trọng trách này.

Đối tượng có hành vi tham nhũng thường là những người có chức vụ quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, có nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội. Do đó, phòng, chống tham nhũng là việc khó. Tuy nhiên, hành lang pháp lý để xử lý tham nhũng của chúng ta tương đối đầy đủ và đủ sức răn đe. Phần việc quan trọng còn lại là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng được giao thực thi nhiệm vụ này. Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cần chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ. Kiên quyết loại bỏ và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm. Trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngoài kiến thức chuyên môn, cán bộ thực thi nhiệm vụ này phải có bản lĩnh để vượt qua cám dỗ. Muốn chống được tham nhũng, cán bộ phải liêm, phải sạch, bởi tay đã nhúng chàm thì chống tham nhũng làm sao nổi!

Lê Hùng